Bình Định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Sẽ đào tạo mới khoảng 15 – 20 tiến sĩ và từ 350 đến 400 thạc sĩ khoa học – công nghệ ở trong và ngoài nước. Đó là mục tiêu mà tỉnh Bình Định đề ra trong giai đoạn 2011 – 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, mà trọng tâm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn kinh phí thực hiện cho đào tạo khoảng trên 6 tỷ đồng.
Giải pháp chính là tỉnh Bình Định hợp tác với các trường đại học, trung tâm đào tạo để nâng cao trình độ chuyên ngành và ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế cho cán bộ khoa học công nghệ; khuyến khích, thu hút sự giúp đỡ, tư vấn, hợp tác của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đào tạo, bồi dưỡng công nghệ cao cho cán bộ thuộc đơn vị mình và đổi mới chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực cao ngoài tỉnh về công tác tại tỉnh Bình Định; đồng thời nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Trong giai đoạn 2006-2010, tỉnh Bình Định đã đào tạo được 220 thạc sĩ, 4 tiến sĩ, 35 chuyên khoa 2 (ngành y tế). Ngoài ra còn 11 người được gửi đi đào tạo thạc sĩ từ năm 2008 tại các nước Phần Lan, Anh và Thụy Điển…theo Chương trình 165 của Trung ương. Tổng nguồn kinh phí đào tạo sau đại học của tỉnh trong giai đoạn này khoảng 15,3 tỷ đồng.
Sau khi tốt nghiệp, các thạc sĩ, tiến sĩ và chuyên khoa 2 còn được tỉnh Bình Định hỗ trợ một lần đối với tiến sĩ là 30 triệu đồng, thạc sĩ 15 triệu đồng và chuyên khoa 2 là 20 triệu đồng và sinh viên tốt nghiệp đạt loại giỏi là 10 triệu đồng. Như vậy, từ 2006 đến 2010 tỉnh Bình Định còn hỗ trợ tổng cộng cho 541 trường hợp là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2; thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân và sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với tổng số tiền trên 5,995 tỷ đồng./.
Ý kiến ()