Bình đẳng trong quy hoạch cơ sở giáo dục đại học
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp có vai trò quan trọng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục băn khoăn.
Hoạt động giới thiệu việc làm kết nối nhà tuyển dụng của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội). |
Nhiều hạn chế trong phát triển hệ thống
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, cùng quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nước ta từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo. Mạng lưới các trường đại học được phân bổ trên khắp cả nước và các vùng miền, có mối tương quan mạnh với sự phát triển kinh tế-xã hội của các vùng.
Hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học với chất lượng ngày càng được nâng cao, có sự gắn kết hơn giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua; hệ thống bảo đảm chất lượng ngày càng phát triển. Tại bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại sáu cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong QS AUR 2023 và chín đại diện vào bảng xếp hạng của THE.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học hiện nay phát triển chưa đồng đều, nhiều cơ sở giáo dục đại học quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả. Quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học trên một vạn dân thấp hơn một số nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có sự tương đồng về phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô đào tạo có sự tập trung khá cao vào các ngành khối kinh doanh và quản lý (gần 24%), máy tính và công nghệ thông tin, pháp luật; trong khi một số ngành rất cần cho sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước như: Khoa học tự nhiên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Quy mô đào tạo đại học có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm.
Ðáng chú ý, số lượng các trường tăng khá nhiều nhưng không đồng đều giữa các vùng miền như đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ 44,3% còn vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 1,6%… Mô hình quản lý của cơ quan nhà nước thiếu thống nhất và phân mảnh (trực thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương); có sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch trong cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực nhà nước giữa: Trường đại học công lập và trường tư thục; trường thuộc các bộ, ngành khác nhau; trường tự chủ với trường chưa tự chủ. Tỷ lệ nguồn ngân sách chi cho giáo dục đại học rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%-7% tổng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo…
Băn khoăn giải pháp thực hiện quy hoạch
Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, mục tiêu đối với giáo dục đại học được đặt ra tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội đến 2030, tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên một vạn dân. Nhu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo đại học đang thay đổi và ngày càng đa dạng hơn với sự phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, việc củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đồng bộ, hiện đại; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả với quy mô và cơ cấu hợp lý, đưa Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực trong những năm tới là hết sức quan trọng.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo dự kiến mục tiêu giai đoạn 2021-2030 đạt quy mô đào tạo 260 sinh viên đại học trên một vạn dân; tỷ lệ sinh viên đại học/giảng viên không vượt quá 25; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40%; không còn cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn; 60% học viên thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 80% số nghiên cứu sinh được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia; Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực châu Á. Tầm nhìn đến năm 2050 mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được phát triển đồng bộ và hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu học đại học chất lượng tốt của nhân dân và yêu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao của nước phát triển, thu nhập cao. Bộ Giáo dục và Ðào tạo dự kiến cả nước có năm đại học quốc gia, năm đại học vùng và 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia…
Ðể đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đưa ra chín giải pháp thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục cho rằng, một số giải pháp chưa thật sự phù hợp, cần điều chỉnh để bảo đảm sự công bằng trong phát triển các cơ sở giáo dục đại học. PGS, TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, trong giáo dục đại học, việc đầu tư cần thể hiện tính nguyên tắc để không tạo nên sự bất bình đẳng; đầu tư cần hướng đến chất lượng đầu ra của các trường cũng như khả năng huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực quốc tế cho phát triển giáo dục đại học. Cần có tiêu chí để các trường đại học khi được đầu tư thì trách nhiệm khai thác nguồn lực, bảo đảm mục tiêu phát triển. Thay vì liệt kê sẵn các trường đại học trọng điểm, quy hoạch cần đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể nhằm bảo đảm sự công bằng trong xác định trường đại học trọng điểm; có thể áp dụng tiêu chí theo nhóm về bảo đảm chất lượng; nhóm tuyển sinh tốp đầu, chất lượng đầu ra…
Cũng theo PGS, TS Phạm Thu Hương, trong quy hoạch Bộ Giáo dục và Ðào tạo có tính đến việc cơ cấu, sáp nhập lại các trường đại học chưa đạt tiêu chuẩn là cần thiết nhưng như vậy là chưa đủ. Bởi vì cần có cả cơ chế cho cơ cấu, sắp xếp các trường lớn, mạnh về lĩnh vực ngành nghề nào đó nhằm tạo nên các trường đủ lớn, mang tầm quốc tế chứ không phải chỉ tập trung vào đại học quốc gia, đại học vùng.
Hiệu trưởng Trường đại học Dược, GS, TS Nguyễn Hải Nam cho rằng: “Trong quy hoạch cần xác định quy mô của đại học quốc gia, đại học vùng. Ðây là những cơ sở giáo dục đại học có vai trò dẫn dắt nhưng tập trung quá nhiều vào đào tạo đại học thì không xứng vai trò, vị trí nên cần quy định rõ các trường này phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20% quy mô đào tạo sau đại học”. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Tây Bắc, TS Ðỗ Hồng Ðức thì nêu lo ngại dự thảo quy hoạch đưa ra định hướng nhà trường trở thành đại học vùng nhưng không rõ từ nay đến năm 2030 trường được quan tâm như thế nào, tạo tiềm lực ra sao và sẽ được giao những nhiệm vụ gì?
Ðáng chú ý, nhiều chuyên gia nhà quản lý cũng băn khoăn về việc quy hoạch xác định đến năm 2030 sẽ tăng thêm ba đại học quốc gia và bốn đại học vùng là không cần thiết. Bởi đã mang thương hiệu quốc gia phải xứng tầm, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước, hội nhập quốc tế chứ không phải mang danh đại học quốc gia, đại học vùng chỉ để được đầu tư và cạnh tranh đào tạo đại trà với các trường khác.
Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là trên nền tảng các cơ sở giáo dục đại học đã có và đang hoạt động chứ không phải là lập mới. Quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng không gian phát triển giáo dục đại học. Trong quy hoạch đặt ra rất nhiều yêu cầu nên cần phân tích kỹ những bất cập của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, từ đó đưa ra phương án giải quyết phù hợp. Bộ Giáo dục và Ðào tạo mong muốn, bản quy hoạch lần này khi được phê duyệt triển khai sẽ thành công nên những ý kiến góp ý chi tiết, có căn cứ, cơ sở khoa học sẽ được Bộ tiếp thu, hoàn thiện.
Nguồn: https://nhandan.vn/binh-dang-trong-quy-hoach-co-so-giao-duc-dai-hoc-post790421.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()