Bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Nỗ lực của ngành y tế
(LSO) – Giảm tỷ số giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản; giảm tỷ số nạo phá thai, tăng tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với công tác tư vấn chăm sóc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con… là những nội dung mục tiêu thứ 4 trong Kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh về bình đẳng giới giai đoạn 2017 – 2020 đã đề ra.
Kiên trì kéo giảm tỷ số giới tính khi sinh
Trên thực tế, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” là biểu hiện rõ rệt nhất của sự bất bình đẳng giới đã bao đời “sâu gốc bền rễ” trong xã hội ta. Bất bình đẳng giới “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” làm gia tăng sự mất cân bằng giới tính khi sinh, và sự chênh lệch giới tính khi sinh càng cao thì càng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giới. Nếu nhận thức thiếu đầy đủ, thì chênh lệch giới tính khi sinh lại càng bị đẩy lên khi áp dụng chính sách dân số “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con”. Trong những năm qua, cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Lạng Sơn là địa phương thực hiện tốt chính sách dân số nhưng lại là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao. Vì vậy, việc hạ thấp tỷ số giới tính khi sinh được coi là khâu then chốt trong việc đảm bảo bình đẳng giới.
Phụ nữ huyện Lộc Bình tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cơ sở
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, song song với việc tham mưu với Sở Y tế, Ban Chỉ đạo công tác dân số/KHHGĐ tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 trở lên, ngành dân số đã có những giải pháp tốt trong thực hiện. Nội dung chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Chi cục Dân số phối hợp, chỉ đạo phòng dân số các huyện, thành phố có những việc làm cụ thể nhằm tạo sự tác động tích cực và bền vững hướng tới giảm tỷ số giới tính khi sinh. Đến nay, toàn tỉnh có 101 câu lạc bộ mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút trên 5.000 hội viên. Năm 2018, chi cục đã tổ chức thành công buổi gặp mặt các gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu. Đây là diễn đàn tốt có tác động rộng đến tư tưởng xã hội. Cùng với tuyên truyền rộng và sâu là sự phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm soát các cơ sở dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi.
Ông Nguyễn Quan Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Bằng sự kiên trì và năng động thực hiện các giải pháp, việc mất cân bằng giới tính thai nhi ở Lạng Sơn đã giảm. Nếu năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của Lạng Sơn là 117,3/100, năm 2019 giảm còn 115,8/100 và những tháng đầu năm 2020 chỉ ở mức 115/100 – đạt mục tiêu UBND tỉnh đề ra cho giai đoạn 2017 – 2020.
Nâng cao tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận chăm sóc sức khỏe
Việc tăng tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Trong những năm qua, song song với xây dựng nền y tế hướng về cơ sở, ngành y tế đã đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), hậu cần dịch vụ tránh thai; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nữ hộ sinh tại các trạm y tế và cô đỡ thôn bản, đẩy mạnh thực hiện dự án “Làm mẹ an toàn”. Cùng với những giải pháp đồng bộ, y tế cơ sở tăng cường trợ giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cung cấp dịch vụ KHHGĐ, vận động phụ nữ có thai tiêm đầy đủ AT2, phấn đấu tỷ lệ phụ nữ từ 15 – 35 tuổi được tiêm AT2 đạt trên 98%. Đến nay, tỷ lệ phụ nữ sinh con có nhân viên y tế đỡ đã đạt trên 99%. Vì vậy, Lạng Sơn đã có những bước tiến lớn trong giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản. Nếu năm 2014, tỷ lệ tử vong bà mẹ vẫn còn ở mức 21,9/100 ngàn trẻ đẻ ra sống, thì hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn 7,4/100 ngàn.
Khi công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng đạt được những thành quả tích cực, thì công tác vận động phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ thông tin giáo dục tư vấn chăm sóc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ngày càng có sự tiến bộ. Nếu những năm trước đây, có đến 80% phụ nữ mang thai từ chối tiếp nhận dịch vụ tư vấn chăm sóc phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thì gần đây, đã có trên 75% chấp nhận và được tiếp cận với dịch vụ này. Một số trường hợp phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có nguyện vọng sinh con đã được cơ quan phòng chống HIV/AIDS và cơ quan y tế giúp đỡ và đã sinh nở an toàn cả mẹ và con. Chính thành công của việc đáp ứng những nguyện vọng chính đáng này đã tạo cú hích để phụ nữ có thai chấp nhận xét nghiệm, lấy kết quả xét nghiệm và được tư vấn đầy đủ.
Với quyết tâm cao và những giải pháp phù hợp, ngành y tế Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra cho giai đoạn 2017 – 2020; chuẩn bị tốt hơn về tâm thế cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới giai đoạn 2020 – 2025.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()