Bình đẳng giới thông qua giám sát và phản biện xã hội
LSO- Tham gia giám sát và phản biện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới được Hội LHPN tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác hội từ nhiều năm nay. Nhất là khi Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được ban hành thì công tác này càng được chú trọng.
Trước khi có Quyết định 217 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”, hội LHPN các cấp đã phối hợp với HĐND, UBMTTQ Việt Nam cùng cấp tham gia giám sát về các vấn đề xây dựng nông thôn mới, chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng; đồng thời tích cực tham gia góp ý xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước, các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ và đời sống của phụ nữ.
Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, hội xây dựng kế hoạch giám sát chính sách an sinh xã hội và về bình đẳng giới đã tạo cho cán bộ nắm rõ hơn về chính sách, phát huy vai trò chủ động phối hợp tham gia giám sát tại địa phương được gần 120.000 đối tượng, hộ gia đình trong diện hưởng chính sách đúng theo quy định.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ xã Thanh Lòa (Cao Lộc) các nội dung về thực hiện bình đẳng giới
Đến cuối năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 về quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội; Hội LHPN tỉnh tổ chức và phối hợp với các ngành liên quan triển khai quán triệt Quyết định số 217-QĐ/TW rộng khắp. Trong đó, 226/226 cơ sở hội đã tổ chức hội nghị triển khai đến hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ các chi hội. Nội dung tập trung hướng dẫn cho chị em hiểu rõ công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ. Bà Lương Thị Thì, Trưởng Ban Chính sách và luật pháp – Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Để triển khai công tác này hiệu quả, Tỉnh hội định hướng hội cơ sở lựa chọn những vấn đề giám sát, phản biện xã hội sát với chức năng, nhiệm vụ của hội và đời sống của hội viên phụ nữ cơ sở; nhất là các chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã chủ động giám sát chính sách an sinh xã hội và về bình đẳng giới trên địa bàn. Từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 63 cuộc giám sát. Nội dung giám sát về các quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan nhà nước; thực hiện việc lồng ghép kiến thức về bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giám sát Luật Hôn nhân và Gia đình; rà soát đối tượng được hưởng chính sách thai sản ở nông thôn. Qua đó, Tỉnh hội lưu ý các đơn vị cần quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên nữ trong cơ quan và ở cơ sở; thực hiện lồng ghép kiến thức giới và bình đẳng giới vào chương trình đào tạo của các lớp nhằm nâng cao nhận thức về giới. Hội đã chủ động khảo sát, thu thập thông tin đề xuất với UBND tỉnh, thông qua kỳ họp HĐND tỉnh ban hành được 2 chính sách đối với phụ nữ, cán bộ nữ, cán bộ hội.
Ngoài ra, 100% huyện, thành phố và các cơ sở hội tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Thực hiện giám sát việc rà soát chính sách ưu đãi đối với 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5.630 liệt sỹ và 5.660 thân nhân liệt sỹ của Hội LHPN các huyện, thành phố; đề nghị xét tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 83 bà.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tham gia giám sát, phản biện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; triển khai những hoạt động trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với phong trào phụ nữ ở từng địa phương, xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Bài, ảnh: XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()