Bình đẳng giới để kiểm soát chênh lệch giới tính khi sinh
Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện là 111,7 bé trai/100 bé gái. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ “thừa” khoảng 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm. Theo các chuyên gia, bình đẳng giới vẫn sẽ là giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề kiểm soát chênh lệch giới tính khi sinh.
Theo báo cáo thực trạng dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất châu Á. Có những nơi tỷ số giới tính khi sinh rất cao, lên đến hơn 120 bé trai/100 bé gái. Cá biệt, có những vùng số bé trai sinh ra gấp hai lần so với số bé gái. Ðặc biệt, mất cân bằng giới tính xảy ra ở cả thành thị và nông thôn và đã xuất hiện ở năm trong sáu vùng kinh tế-xã hội trên cả nước. Thực trạng này xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất và đặc biệt cao vào lần sinh thứ ba trở lên. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn ở nhiều cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao và tình hình kinh tế khá giả tại các khu vực kinh tế phát triển. Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài và không được kiểm soát có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội-kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo các chuyên gia dân số, nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là bất bình đẳng giới, trọng nam, khinh nữ. Cũng theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tình trạng bất bình đẳng giới hiện vẫn diễn ra từ gia đình đến xã hội, nhất là tại các quốc gia đang phát triển như khu vực châu Á. TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: Bất bình đẳng giới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhiều gia đình vẫn quan niệm: “Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường”; “Phải có con trai mới thành đạt”; “Con gái là con người ta”… Tại các vùng nông thôn, các gia đình có con trai đi ăn cỗ làng mới được ngồi mâm trên; trong làng, xã góp quỹ, có con trai mới được đóng góp, tính công xây dựng, phát triển dòng họ, làng, xã… Từ đó, tại các gia đình thôi thúc việc cố đẻ bằng được con trai. Cùng với đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống như bố mẹ già phải sống với con trai cả và thực tế nhiều người già vẫn còn phải sống phụ thuộc con, nhất là con trai. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi vẫn rất nhẹ và nan giải. Cơ quan chức năng khó có thể kiểm tra, xử phạt khi có rất nhiều cách lách luật để các cá nhân, cơ sở này thông báo cho người dân về giới tính thai nhi khi họ đến các cơ sở y tế khám thai. TS Khuất Thu Hồng cũng cho biết thêm, Quỹ Dân số Liên hợp quốc coi việc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh là một trong những dạng bạo lực giới rất nghiêm trọng. Thực tế vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng tìm đủ mọi cách sinh được con trai và tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra hằng ngày. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời do việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo Tổng cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần có nhiều giải pháp. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả là nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh. Truyền thông giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân; nâng cao vị thế, vai trò phụ nữ, bảo đảm sự bình đẳng giới nam và nữ. Ðịnh hướng xây dựng nhiều chương trình cộng đồng cho giới nữ cũng như đẩy mạnh hình ảnh nữ quyền trong các hoạt động dành cho nữ giới. Mặt khác, tổ chức các cuộc truyền thông tư vấn, nói chuyện chuyên đề về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người đứng đầu dòng họ… Các chương trình truyền thông cần đa dạng hình thức, trong đó đẩy mạnh truyền thông kỹ thuật số, truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội… với những nội dung tập trung vào vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn, để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai. Phối hợp nhiều cơ quan, đoàn thể để lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới đến đông đảo mọi tầng lớp người dân nhằm nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Chỉ khi phụ nữ được bình đẳng với nam giới, mọi người nhận thức được “con nào cũng là con” thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới được giải quyết ■
Theo Nhandan
Ý kiến ()