Biểu tượng về ý chí, sức mạnh quật cường của quân và dân ta
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu Cách đây 45 năm, đúng vào thời điểm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, hưởng ứng hiệu lệnh của lãnh đạo tối cao, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn dân và toàn quân ta trên chiến trường miền nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (lúc bấy giờ đề ra là Tổng công kích - tổng khởi nghĩa) đồng loạt đánh vào hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là Sài Gòn và Huế, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, sân bay và căn cứ hậu cần của Mỹ trên toàn miền nam giành thắng lợi to lớn, toàn diện và tạo ra bước ngoặt lịch sử.Đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh chiếm những mục tiêu hiểm yếu như: Đài phát thanh, tòa Đại sứ Mỹ, đánh vào Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát địch ở Sài Gòn; đánh vào nội thành và làm chủ trong một thời gian dài Cố đô Huế, phá hủy một khối...
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh chiếm những mục tiêu hiểm yếu như: Đài phát thanh, tòa Đại sứ Mỹ, đánh vào Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát địch ở Sài Gòn; đánh vào nội thành và làm chủ trong một thời gian dài Cố đô Huế, phá hủy một khối lượng quan trọng các phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần hiện đại nhất của Mỹ, Thiệu. Thắng lợi đó mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại sâu sắc; thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là biểu tượng ngời sáng về ý chí sắt đá, lòng quả cảm, tài thao lược, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian lao và thử thách khắc nghiệt.
Cuộc Tổng tiến công diễn ra trong bối cảnh, điều kiện địch đã leo thang đến đỉnh cao: Hơn 50 vạn quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh cùng với đội quân Sài Gòn, tổng cộng hơn một triệu quân. Trong khi tướng Oét-mo-len đang chuẩn bị đợt tiến công thứ ba sau những trận tiến công thất bại của quân đội Mỹ ở hai mùa khô qua, khẩn trương cứu nguy cho căn cứ Khe Sanh, mà ở đó, hai phần năm lực lượng chiến đấu Mỹ đang bị vây hãm.
Tác động của cuộc tiến công đối với Mỹ, theo như nhận định của một nhà sử học quân sự Mỹ, đã gây ra cho Mỹ một cú “choáng đột ngột’’, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của Mỹ. Nó không chỉ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền nam mà còn làm rung chuyển Lầu Năm góc và cả nước Mỹ, phơi bày toàn bộ quá trình thất bại của Mỹ trên chiến trường Việt Nam, sự bất lực của một đạo quân hơn một triệu người được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại trước sức tiến công và cách đánh cực kỳ táo bạo, mưu trí, sáng tạo của đối phương. Cả thế giới dõi theo và khâm phục trí tuệ, ý chí chiến đấu quật cường, quyết giành độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam – một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường dũng cảm, dám đương đầu đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ, một siêu cường thế kỷ 20.
Đối với Việt Nam, thắng lợi quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân là đã làm lay chuyển ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi lại đàm phán với Việt Nam tại Pa-ri, thay Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Mỹ ở miền nam Việt Nam, Giôn-xơn không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Về cơ bản, đã đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, mở ra khả năng để quân và dân ta thực hiện thành công chiến lược ’’đánh cho Mỹ cút”, để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Thể hiện khí phách, ý chí, nghị lực và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; biểu hiện sức sáng tạo và tài trí trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: Đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ, chủ động hạ quyết tâm giáng đòn quyết chiến, chiến lược, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy trí tuệ Việt Nam thắng vũ khí và trí tuệ Mỹ; là nghệ thuật tiến công táo bạo, bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị…
Có được thành tích to lớn ấy là một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh của quân và dân ta trên cả hai miền nam – bắc, do Việt Nam có một kế hoạch chuẩn bị chu đáo, kiên trì và mưu trí trên chiến trường miền nam trong nhiều tháng, có nơi hàng năm, như ở Sài Gòn, Huế. Nhân dân ta không hề run sợ trước sức mạnh của kẻ thù, ngay từ đầu và cả 21 năm chống Mỹ, cứu nước luôn son sắt một lòng, chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không sợ hy sinh, gian khổ, đã đứng lên kháng chiến và quyết kháng chiến đến khi giành được độc lập tự do thật sự và hòa bình chân chính”, cho dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập.
Để giành được thắng lợi mang tầm vóc chiến lược đó, Việt Nam phải trả giá bằng sự hy sinh xương máu của nhiều người con ưu tú. Sự hy sinh đó là cực kỳ cao cả vì công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc. Tổ quốc ta mãi khắc ghi và tưởng nhớ công ơn của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ – những người ngã xuống vì lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; của bộ đội biệt động và đặc công, bộ đội chủ lực, địa phương và du kích, của các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng, của đồng bào yêu nước đã có công lớn tham gia chiến đấu và nổi dậy, hưởng ứng và ủng hộ cuộc Tổng tiến công để dân tộc Việt Nam có được hòa bình, độc lập, tự do vào Mùa xuân toàn thắng năm 1975 lịch sử.
45 năm đã qua đi, sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, về ý chí, nghị lực và sức mạnh quật cường của quân và dân ta. Nó vẫn luôn vang vọng, nhắc nhở các thế hệ con cháu Việt Nam hôm nay và mai sau biết dựa vào sức dân; biết khơi dậy và kết hợp chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân với trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam. Lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của một dân tộc trong chiến dịch Mậu Thân 1968; nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam tinh thần cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí và khơi dậy sức mạnh nội lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()