Biểu tình của nông dân Pháp lan tới thủ đô Paris
Dù Chính phủ Pháp đã đưa ra một số giải pháp, phong trào đấu tranh của nông dân Pháp vẫn diễn ra tại nhiều nơi và dự kiến lan rộng tới thủ đô Paris vào chiều 29/1. Trước tình hình đó, Bộ Nội vụ Pháp quyết định điều động lực lượng an ninh lên tới 15 nghìn người để ứng phó tình hình tại vùng thủ đô.
Nông dân Pháp lái máy kéo trên cao tốc A1 ở ngoại ô phía bắc Paris. (Ảnh: Reuters) |
Diễn ra ở quy mô nhỏ từ ngày 18/1 ở phía tây nam, chỉ chặn cao tốc A64 ở gần thành phố Toulouse, phong trào biểu tình của nông dân Pháp lan rộng ra nhiều khu vực khác ở phía tây nam và đông nam. Trong mấy ngày gần đây, nông dân Pháp đã chặn một số đường cao tốc và quốc lộ ở miền trung và rồi cả vùng thủ đô Ile-de-France.
Những người tham gia biểu tình cho rằng họ phải gánh chịu tác động rất nhiều từ giá nhiên liệu và phân bón tăng vọt, cùng những quy định xanh về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, giảm khí thải nông nghiệp và thúc đẩy đa dạng sinh học… Các biện pháp mới của EU cũng gây khó khăn không nhỏ trong khi đó lợi nhuận ngày càng ít đi. Ngoài vấn đề thu nhập và lương thấp, nông dân Pháp cáo buộc hệ thống siêu thị của các tập đoàn công nghiệp lớn không trả thù lao tương xứng.
Các nghiệp đoàn nông dân đã gửi cho chính phủ các yêu cầu cần được đáp ứng, trước mắt là trợ cấp khẩn cấp “cho những lĩnh vực đang gặp khủng hoảng nhất”, giải ngân các khoản trợ cấp thuộc khuôn khổ Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP) và lâu dài là “từ bỏ thương mại tự do” tạo một mức thu nhập xứng đáng cho tất cả nông dân, hỗ trợ thích đáng cho quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp và cắt giảm các tiêu chuẩn áp dụng cho lĩnh vực này.
Ngày 26/1, khi tới thăm một trại nuôi bò ở vùng vùng Haute Garonne, tây nam nước Pháp, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal công bố nhiều “biện pháp khẩn” để cải thiện đời sống và làm việc cho nông dân. Trong đó có việc xóa bỏ quyết định tăng thuế xăng, dầu cùng với việc trừng phạt các siêu thị hay tập đoàn chế biến lương thực, thực phẩm ép giá nông dân.
Chính phủ Pháp cũng cam kết phản đối kế hoạch mở cửa thị trường chung châu Âu cho các nhà chăn nuôi của châu Mỹ Latinh để giải tỏa lo ngại nông phẩm, thịt bò của Pháp và châu Âu sẽ bị hàng rẻ của các nước châu Mỹ Latinh cạnh tranh.
Ngày 27/1, một số chiến dịch chiếm đóng đường phố, đường cao tốc của nông dân Pháp đã chấm dứt. Tuy nhiên nhiều nghiệp đoàn nông dân như Liên minh quốc gia Các nghiệp đoàn nông dân (FNSEA) và Công đoàn nông dân trẻ (JA) vẫn thông báo kế hoạch tổ chức chiến dịch có quy mô lớn hơn, cho rằng nhượng bộ của chính phủ là chưa đủ. FNSEA và JA đưa ra mục tiêu “phong tỏa thủ đô Paris” và “không để xe tải cung cấp lương thực và thực phẩm cho Paris”.
Trong thông cáo báo chí, các nghiệp đoàn FNSEA và JA cho biết, từ 2 giờ chiều ngày thứ hai 29/01, nông dân từ các tỉnh ở phía bắc và cả vùng thủ đô Ile-de-France sẽ “bao vây thủ đô trong một khoảng thời gian không xác định”. Những cuộc biểu tình có thể diễn ra dưới nhiều hình thức và các trục đường chính dẫn tới Paris sẽ là nơi mà người biểu tình nhắm tới.
Trước diễn biến phức tạp như vậy, ngày 28/1, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã chủ trì cuộc họp khẩn của Trung tâm ứng phó khủng hoảng liên bộ để xem xét các biện pháp khẩn cấp.
Ông Gérald Darmanin yêu cầu triển khai lực lượng an ninh tới 15 nghìn người để ngăn chặn nông dân đi vào và gây tắc nghẽn ở Paris, chợ đầu mối Rungis, lớn nhất của Pháp và các sân bay trong vùng thủ đô. Cảnh sát được lệnh chỉ can thiệp khi người dân bị nguy hiểm, các tòa nhà và tài sản công cũng như tư bị thiệt hại nghiêm trọng.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp khẳng định rằng các biện pháp cần thiết sẽ được áp dụng để bảo đảm “máy kéo không đi vào các thành phố lớn” và việc chiếm đóng Paris, chợ đầu mối Rungis cũng như các sân bay tại vùng thủ đô Ile-de-France là “lằn ranh đỏ”.
Các tuyến đường bị nông dân Pháp phong tỏa. |
Nước Pháp có nguy cơ rơi vào bất ổn mới, như đã từng xảy ra với phong trào “áo vàng”, vì biểu tình của nông dân bắt đầu lan tới tận thủ đô và chưa biết khi nào kết thúc. Đây là thách thức đầu tiên và rất lớn đối với Thủ tướng Gabriel Attal, mới được bổ nhiệm từ ngày 9/1.
Trước đây, nông dân Pháp đã từng lái máy kéo vào Paris để biểu tình, với gần 500 chiếc trong tháng 1/2023, hơn 800 chiếc trong năm 2019 và gần 1.000 chiếc vào năm 2015.
Phong trào phản đối của nông dân hiện diễn ra tại nhiều nước EU gồm Romania, Đức, Ba Lan đến Hà Lan, Tây Ban Nha và nay tới Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU.
Nguồn: https://nhandan.vn/bieu-tinh-cua-nong-dan-phap-lan-toi-thu-do-paris-post794266.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()