Biểu dương người có công tiêu biểu: Đồng bộ từ trung ương đến cơ sở
– Tôn vinh, gặp mặt biểu dương người có công (NCC) tiêu biểu là hoạt động được triển khai 4 cấp từ trung ương đến cơ sở nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ. Qua đó, NCC trên địa bàn tỉnh nói riêng, NCC trong cả nước nói chung có cơ hội được gặp gỡ, học hỏi, động viên nhau vượt qua khó khăn, dạy bảo con cháu và giúp gia đình phát triển kinh tế.
Ở cấp trung ương, chương trình gặp mặt đại biểu NCC là hoạt động được duy trì tổ chức đều đặn trong gần 20 năm qua. Với mỗi chương trình gặp mặt của từng năm, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những chủ đề, đối tượng cụ thể để tôn vinh những NCC với đất nước. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh-liệt sĩ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm và gặp mặt 537 đại biểu NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Tỉnh Lạng Sơn có 6 đại biểu NCC tiêu biểu tham gia hội nghị biểu dương toàn quốc, trong đó có 1 đại biểu tham gia đoàn gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tổ chức hoạt động toạ đàm kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ
Thương binh Mai Văn Tập, thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ: Tôi vinh dự là 1 trong 6 đại biểu của tỉnh được tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh-liệt sĩ và gặp mặt đại biểu NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Trong chương trình, chúng tôi đã đi dâng hương tưởng niệm tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một chương trình ý nghĩa, động viên tôi và những NCC tiếp tục vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Tại tỉnh Lạng Sơn, theo Kế hoạch số 56 ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh – liệt sĩ, hoạt động tôn vinh, biểu dương NCC tiêu biểu là 1 trong 13 hoạt động lớn của tỉnh. Hoạt động ở cấp tỉnh được tổ chức vào ngày 27/7, biểu dương 75 đại biểu NCC tiêu biểu.
Bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Năm nay tôi đã 91 tuổi, tôi tham gia cách mạng từ tháng 3/1945, khi ấy mới 14 tuổi, là Đội trưởng Đội Thiếu niên tỉnh Cao Bằng, tham gia bảo vệ nhiều cuộc họp quan trọng của Mặt trận Việt minh diễn ra tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1954, sau khi chuyển công tác về Lạng Sơn, tôi tham gia công tác tại Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong… Lần này được mời dự hội nghị biểu dương của tỉnh tôi rất vui, là dịp để gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm với các đồng đội của mình.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp huyện, xã đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày thương binh – liệt sĩ. Tính đến ngày 25/7, 80% các xã, phường, thị trấn đã tổ chức hoạt động toạ đàm, 8 huyện đã tổ chức xong hội nghị biểu dương các gia đình NCC tiêu biểu trên địa bàn và theo kế hoạch đến hết ngày 27/7 các cấp sẽ tổ chức xong. Bà Hoàng Thị Tuyết, Trưởng Phòng LĐTB&XH – Dân tộc huyện Văn Quan cho biết: Ngày 18/7 vừa qua, huyện Văn Quan đã tổ chức thành công hội nghị biểu dương 34 NCC tiêu biểu trên địa bàn. Huyện cũng tổ chức chuỗi hoạt động tặng quà, chăm lo sức khoẻ, xây sửa nhà, nâng cao mức sống cho NCC; huy động xã hội hoá chăm lo cho NCC và biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt công tác thương binh – liệt sĩ.
Phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn là một đơn vị điển hình (ở cấp xã, phường, thị trấn) trong cách làm và quy mô tổ chức hoạt động toạ đàm, gặp mặt NCC. Phường đã huy động được nguồn xã hội hoá từ các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên 100 triệu đồng để tặng quà cho 150 gia đình chính sách, NCC trên địa bàn. Trong chương trình, cùng với việc ôn lại truyền thống lịch sử ngày thương binh liệt sĩ thì hoạt động toạ đàm đã góp phần chia sẻ những câu chuyện, cách làm trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Chị La Thị Bích Thuỳ, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC trên địa bàn, thời gian qua, Đoàn phường luôn quan tâm thực hiện hiệu quả các phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, giúp gia đình liệt sĩ, NCC ngày công lao động, thăm hỏi, tặng quà và tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.
Có thể thấy, việc tôn vinh, biểu dương NCC, toạ đàm, gặp mặt NCC là hoạt động ý nghĩa, thiết thực và được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, góp phần động viên NCC tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; lan toả tích cực phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” trong các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
PHONG LINH
Những tấm gương không ngừng nỗ lực vươn lên
– Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mất mát của những người mẹ, người vợ, những vết thương trên cơ thể của người lính đã để lại nỗi đau tinh thần, thể xác cho họ. Với nghị lực kiên cường, họ đã không ngừng nỗ lực vươn lên và tiếp tục cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Qua đó, trở thành những tấm gương người có công tiêu biểu được tham gia hội nghị biểu dương toàn quốc năm 2022 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội.
Thương binh Nguyễn Thanh Vân (khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn): “Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dành nguồn lực cho an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa”
Tôi tham gia cách mạng từ tháng 2/1975 tại Trung đoàn 14, Sư đoàn 341, chiến đấu tại chiến trường Miền Nam và Lào. Sau 12 năm tại ngũ, đến tháng 8/1987, tôi chuyển ngành về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, là thương binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể 34%. Trải qua nhiều vị trí công tác, nhiều chức vụ khác nhau, năm 2001, tôi được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn và từ năm 2003 đến nay giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc công ty, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Lạng Sơn.
Với chức trách được giao, tôi đã cùng ban lãnh đạo công ty nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công ty đã cung ứng đầy đủ vật tư, phân bón… trên địa bàn tỉnh với khối lượng trung bình hằng năm khoảng 30 nghìn tấn. Hiện nay, công ty thường xuyên tạo việc làm cho 70 lao động, với thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, công ty luôn nỗ lực thực hiện công tác an sinh xã hội; hỗ trợ, ủng hộ công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh khoảng 200 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lưu, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Miển (khu Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình): “Vượt qua nỗi đau, mất mát để vươn lên trong cuộc sống”
Năm 1971, chồng tôi lên đường vào chiến trường miền Nam. Khi đó, tôi mới 22 tuổi, con gái của chúng tôi mới tròn 1 tuổi. Năm 1975, tôi nhận được giấy báo tử, chồng tôi đã hy sinh ngày 30/4/1973. Đau xót và gục ngã tưởng như không thể gượng dậy nhưng nhìn con gái nhỏ, sự hy sinh của chồng, tôi nghĩ mình cần phải mạnh mẽ và gắng sức vượt qua nỗi đau đớn, mất mát, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để nuôi con khôn lớn. Tôi luôn nhắc nhở con cháu nêu gương cha, ông mình để giữ gìn truyền thống của gia đình. Nay con gái đã khôn lớn trưởng thành, bản thân tôi tham gia công tác xã hội trong suốt những năm qua.
Từng trải qua khó khăn, tôi thấu hiểu những gánh nặng của các chị em phụ nữ trong gia đình, những năm qua, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình, tôi đã hướng dẫn lập hồ sơ cho 21 hội viên phụ nữ vay vốn với tổng số tiền trên 900 triệu đồng; động viên, hỗ trợ 20 gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 4 triệu đồng; đồng thời, tôi cũng vận động chị em hội viên ủng hộ mỗi năm một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán…
Bệnh binh Ngô Xuân Dùng (khối phố Pác Nàng, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia): “Luôn nỗ lực, cố gắng trong mọi hoàn cảnh để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Trải qua quá trình chiến đấu tại chiến trường và làm việc tại một số đơn vị, năm 1987, do mất sức lao động nên tôi chuyển về địa phương, tôi là bệnh binh, tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%.
Dù sức khỏe không còn được như trước nhưng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực trong mọi hoàn cảnh để xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Được người dân tin tưởng, từ năm 1993 đến năm 2020, tôi được bà con bầu làm trưởng thôn. Quá trình là trưởng thôn, tôi luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa. Hiện nay, tôi là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, tôi tiếp tục nêu gương trong mọi hoạt động của khối phố, tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp.
NHÓM PV
Ý kiến ()