Biết nguy hiểm nhưng vẫn phải “liều”
LSO-Từ bao đời nay, người dân xã Tân Việt, huyện Văn Lãng đã coi việc đi bè mảng trên sông là lẽ thường, bởi địa hình xã bị dòng sông chia cắt thành hai nửa. Tuy biết rằng, việc đi lại trên sông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng với người dân nơi đây, mong muốn có điều kiện giao thông an toàn hơn dường như là điều không thể.
![]() |
Người dân xã Tân Việt di chuyển qua sông bằng bè mảng |
Xã Tân Việt có 7 thôn, trong đó, các thôn: Nà Là, Bó Mị, Khòn Búm, Nà Cạn nằm dọc quốc lộ 4A; các thôn còn lại là Pá Mị, Nà Lẹng (khu vực trường học) nằm ở bên kia sông, riêng thôn Bản Quan nằm ở cả 2 bên sông. Mặc dù chỉ bị chia cách khoảng 20 m, nhưng nếu đi đường bộ, người dân phải đi đường vòng dài gần 40 km, mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, người dân trong xã đều chọn cách đi bè, chỉ mất chừng 5-10 phút là đã có thể sang đến bên kia sông.
Xã Tân Việt chỉ có duy nhất một chiếc bè là “cầu nối” trung chuyển giữa 2 bên bờ sông, bè liên tục đi qua lại từ 6 giờ tới 18 giờ. Để điều khiển bè, người chèo bè phải dùng tay vịn vào sợi dây được chằng ngang qua con sông, rồi dùng sức kéo bè di chuyển. Chiếc bè chòng chành trên sông, không có rào chắn, khi chở nặng nước ngập sâm sấp mặt bè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn sông nước. Ông Nguyễn Văn Thậm (thôn Nà Lẹng) – người điều khiển bè cho biết: Mỗi lượt, bè của tôi chở được khoảng 10 người cùng 3-4 chiếc xe máy. Trung bình mỗi ngày có trên 300 lượt người đi bè qua sông. Ngoài người dân, còn có cả cán bộ và các cháu học sinh, có cháu học 2 buổi phải đi lại qua bè 4 lần/ngày.
Những người đi trên bè từ người lớn đến trẻ em đều không mặc áo phao. Nếu như trong những ngày thời tiết bình thường, người dân có thể yên tâm hơn khi di chuyển trên bè thì những ngày mưa gió, nỗi lo lắng trở nên rõ ràng nhất bởi dòng sông tiềm ẩn những nguy cơ nằm ngoài dự tính. Em Vi Thanh Cúc, thôn Nà Cạn chia sẻ: “Ngày nào, em cũng đi bè tới trường. Những khi nước sông lên cao, bè không đi được, em và em trai phải nghỉ học cả tuần”. Theo thống kê của UBND xã, hiện có 34 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở, 8 cán bộ xã cùng với hàng trăm người dân hằng ngày thường xuyên đi bè.
Dù biết nguy hiểm nhưng người dân cũng không còn cách nào khác, đặc biệt đối với những trường hợp có công việc quan trọng. Bà Trương Thị Mơ, Trưởng thôn Bản Quan chia sẻ: Do thôn nằm ở cả hai bên sông, tôi thường xuyên phải đi lại để báo việc đến các hộ dân, hay muốn lên ủy ban họp, tôi cũng phải đi bè. Những hôm mưa to gió lớn, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải liều đi. Đi trên bè mà tôi cứ lo nơm nớp. Sang được đến bờ sông bên kia, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cấp cho xã 10 áo phao, 40 phao tròn để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi di chuyển trên bè. Ông Nông Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt cho biết: Dẫu biết việc sử dụng bè mảng di chuyển trên sông rất nguy hiểm, nhưng do địa hình xã xưa nay đã vậy nên chúng tôi cũng không còn cách nào khác. Chúng tôi chỉ có thể nghiêm khắc nhắc nhở người điều khiển bè không được đi bè khi nước sông dâng cao quá 1m so với bình thường. Ngoài ra, xã cũng thường xuyên cảnh báo đến người dân cần cẩn trọng, sẵn sàng trước các tình huống xấu có thể xảy ra khi đi bè. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn được các cấp, ngành quan tâm, cấp phương tiện chắc chắn hơn để người dân yên tâm khi di chuyển trên sông.
HOÀNG NHƯ
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()