Biến tiềm năng thành sản phẩm
LSO-Sáng nay (12/4), tại Lào Cai, Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Dự và chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tô Hùng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tại điểm cầu Lạng Sơn tham dự hội nghị trực tuyến |
Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đối với tỉnh Lạng Sơn, qua điều tra cơ bản có 788 loài cây thuốc, trong đó có 10 loài và nhóm loài được đánh giá là loài cây thuốc có tiềm năng của địa phương có giá trị sử dụng và kinh tế cao, 35 loài trong diện cây thuốc bảo tồn cấp quốc gia. Hiện nay, hơn 80% là cây thuốc mọc tự nhiên, chỉ có gần 20% được đầu tư gieo trồng và chăm sóc. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 188 vườn thuốc nam của hộ gia đình, 215 vườn thuốc nam của các trạm y tế xã, phục vụ nhu cầu chữa bệnh tại chỗ, không có diện tích và sản lượng lớn để cung cấp cho sản xuất và chế biến.
Sau khi nghe báo cáo về thực trạng phát triển dược liệu trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận tìm giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển dược liệu đạt hiệu quả tốt nhất. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đất nước Việt Nam có truyền thống quý báu về y học cổ truyền, có nhiều cây thuốc quý ở các tỉnh, thành. Đây là tiềm năng, thế mạnh, là kho báu của đất nước. Do đó cần triển khai nhiều biện pháp để biến tiềm năng thành sản phẩm hàng hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân và hướng tới xuất khẩu. Thủ tướng chỉ đạo: Để làm được điều đó, Bộ Y tế chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển ngành dược liệu, công nghiệp dược liệu ở Việt Nam. Trong đó chú trọng bảo tồn nguồn gen và các dược liệu có tính chất đặc hữu; ban hành quy chuẩn để quản lý; đưa khoa học công nghệ vào quá trình nuôi trồng, chế biến dược liệu; thúc đẩy các vùng chuyên canh quy mô lớn; đào tạo cán bộ y học cổ truyền; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân có ý thức trong khai thác, sử dụng gắn với bảo tồn dược liệu; quản lý giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng lưu thông, buôn bán dược liệu trái phép.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()