Biên soạn lịch sử Đảng ở Cao Lộc: Từng bước khắc phục khó khăn
– Trước đây, công tác biên soạn lịch sử Đảng ở Cao Lộc chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc chỉ có một số đơn vị có cuốn lịch sử Đảng làm nguồn tài liệu phục vụ nhu cầu thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả công tác biên soạn lịch sử đảng, Huyện uỷ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trước năm 2018, Đảng bộ huyện Cao Lộc chỉ có 4 đơn vị nghiên cứu, biên soạn và xuất bản được lịch sử đảng bộ của đơn vị. Con số này tương đối ít và nguyên nhân là do tư liệu ít; lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ không nhiều; kinh phí chi cho công tác biên soạn còn hạn hẹp… Để nâng cao hiệu quả công tác này, ngày 23/10/2017, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Cao Lộc đã ban hành Kế hoạch số 70-KH/HU về điều chỉnh, bổ sung việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn, lịch sử truyền thống giai đoạn 2017 – 2020.
Cán bộ thị trấn Cao Lộc nghiên cứu lịch sử truyền thống địa phương
Ông Vy Minh Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Kế hoạch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, đưa ra những giải pháp thực hiện. Những năm qua, Ban Tuyên giáo đã tham mưu cho BTV Huyện ủy chỉ đạo các vị thực hiện nghiêm công tác này. Đồng thời, đưa ra một số nội dung cần thực hiện như: bố trí nhân sự phù hợp; theo dõi, hướng dẫn các đơn vị trong quá trình thực hiện; đề xuất trích kinh phí…
Theo đó, BTV Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ giúp việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp, ngành trên địa bàn huyện; chỉ đạo các đảng ủy các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, ban sưu tầm, tổ giúp việc sưu tầm, biên soạn cuốn lịch sử đảng bộ địa phương, đến nay, 22/22 xã, thị trấn đều thực hiện đúng quy định. Với thực trạng còn nhiều xã, thị trấn chưa biên soạn được lịch sử đảng bộ, BTV đưa ra lộ trình thực hiện trong từng năm và giao việc cụ thể cho các đơn vị, đơn cử như năm 2018 là 7 đơn vị thực hiện, năm 2019 là 8 đơn vị, năm 2020 là 5 đơn vị…
Ông Triệu Tiến Trường, Bí thư Đảng uỷ xã Công Sơn cho biết: Theo chỉ đạo của BTV Huyện ủy, xã Công Sơn được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu để hoàn thành nội dung cuốn Lịch sử Đảng bộ xã từ năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, tích cực cử cán bộ sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các cán bộ lão thành khai thác thông tin… Đến nay, cuốn sách đã cơ bản hoàn thành, đang chờ xin ý kiến của hội đồng thẩm định các cấp là có thể xuất bản.
Cùng với đó, huyện quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí cho nội dung này. Ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh theo quy định, huyện Cao Lộc đã chủ động xây dựng kế hoạch để bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách đảm bảo cho công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản các cuốn lịch sử đảng các cấp, ngành trên địa bàn.
Đến nay, toàn huyện có 17 cuốn lịch sử đảng của 17 xã, thị trấn. Trong quý IV/2021, dự kiến sẽ xuất bản 7 cuốn lịch sử đảng bao gồm 5 xã còn lại (Hợp Thành, Thạch Đạn, Thanh Lòa, Công Sơn, Mẫu Sơn), 1 cuốn lịch sử truyền thống ngành Công an huyện; tái bản, bổ sung cuốn lịch sử Đảng bộ huyện.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết thêm: Các cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống khi phát hành đạt chất lượng, phản ánh chân thực tiến trình lịch sử địa phương, mang tính đảng và tính giáo dục truyền thống cao… góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện đối với Đảng, Nhà nước…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, BTV Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các đơn chú trọng đến công tác này. Kế hoạch thời gian tới của huyện là tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, sưu tầm và xuất bản lịch sử truyền thống các ngành với mục tiêu mỗi ngành đều có cuốn lịch sử Đảng riêng để lưu trữ những thông tin quan trọng. Qua đây sẽ làm rõ các chặng đường lịch sử, góp phần tổng kết thực tiễn, đúc rút bài học kinh nghiệm phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đơn vị, địa phương.
Ý kiến ()