tle=”Bài 1:Biến động lực lượng lao động” on click=”$('#gallery_34949364_1_338446').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương. Nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam luôn là điểm đến hấp dẫn của lao động trong cả nước. Đây cũng là nguồn nhân lực quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp (DN) ổn định và mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, lực lượng lao động ở khu vực này thường biến động, nhất là vào dịp sau Tết Nguyên đán, gây không ít khó khăn cho nhiều DN và cả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở các địa phương. Vậy, đâu là nguyên nhân và cần có những giải pháp gì để thu hút, ổn định lâu dài nguồn nhân lực?
Theo ngành chức năng các địa phương trong khu vực, sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn vừa rồi, số người lao động trở lại làm việc cao hơn hẳn nhiều năm trước. Tại tỉnh Bình Dương, số lao động trở lại các DN đạt bình quân khoảng 95% và tỷ lệ này ở Đồng Nai là hơn 97%. Tuy vậy, nhiều DN vẫn đang tiếp tục tuyển dụng lao động, nhất là các DN may mặc tại các Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN). Ở đây, ngoài nhu cầu mở rộng sản xuất, nhiều DN vẫn tiếp tục tuyển dụng người làm việc là do có sự biến động của lực lượng lao động do nhiều nguyên nhân…
Tuyển dụng với nhiều ưu đãi
Từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay nhiều DN ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tuyển đủ công nhân để thực hiện các đơn hàng đã ký kết. Những ngày đầu tháng 3, khi đến các KCX-KCN, chúng tôi thấy nhiều DN vẫn còn treo băng-rôn mời gọi người lao động. Tại KCX Linh Trung 1 và Linh Trung 2 ở quận Thủ Đức, Công ty Nissei kê bàn ngay ngoài cổng chính với ba, bốn nhân viên túc trực để đợi công nhân đến nộp hồ sơ. DN này đã đưa ra mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng và nhiều ưu đãi khác như được bố trí chỗ ở tại khu lưu trú, hỗ trợ 100% tiền vé về nghỉ Tết… Ngoài ra, DN công khai mức hoa hồng đến 600 nghìn đồng cho những công nhân của công ty giới thiệu được một người lao động mới. Tương tự, Công ty may mặc Kollan & Hugo Kinit VN cũng treo biển tuyển công nhân với số lượng lớn, những người đã có tay nghề, mức thu nhập lên đến bảy triệu đồng/tháng. DN này cũng đưa ra mức lương cơ bản sau khi ký hợp đồng là 2,5 triệu đồng và các khoản phụ cấp từ 700 đến 800 nghìn đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác…
Tại các KCN Sóng Thần (quận Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 7), KCN Tân Tạo (quận Bình Tân)… nhiều DN vẫn liên tục tuyển dụng lao động từ những ngày sau Tết Nguyên đán cho đến nay. Để tuyển đủ công nhân, nhiều DN tiếp nhận cả những người lao động chưa có tay nghề. Dù vậy, việc tuyển dụng người làm không là chuyện dễ dàng đối với nhiều DN. Theo nhiều nhân viên tuyển dụng lao động của các DN, số lượng hồ sơ xin việc không nhiều, có không ít trường hợp chỉ để thăm dò, nghe ngóng. Chị Đinh Thị Bích Trâm, cán bộ nhân sự của Công ty Unipax ở Đồng Nai, cho biết: Hiện tại, mỗi tuần công ty luôn đăng tin tuyển dụng khoảng 100 lao động để thay thế những công nhân nghỉ việc, vì mỗi dây chuyền may không thể thiếu quá hai người.
Sự biến động lực lượng lao động, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán, ở khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và nhiều nơi khác, không phải mới. Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết: Năm 2012, toàn thành phố sẽ có khoảng 265 nghìn chỗ làm việc, trong đó có hơn 120 nghìn chỗ làm việc mới và ngành dệt-may chiếm khoảng 18%. Trong hai tháng đầu năm 2012, các DN tại TP Hồ Chí Minh cần tuyển khoảng 45 nghìn lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng lớn nhất thuộc về các DN dệt-may. Lượng DN thông báo tuyển thêm lao động và hồ sơ xin việc làm ở tháng sau Tết luôn cao hơn từ 20 đến 30% so với mức trung bình cả năm.
Thực tế, có phải DN nào cũng bức xúc chuyện thiếu nhân công? Phó Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Định, phân tích: Việc tuyển dụng lao động của nhiều DN để mở rộng sản xuất là nhu cầu có thật, nhưng không phải DN nào cũng cần tuyển số lượng lao động lớn như vậy. Ở đây, có không ít DN nhằm vào hai mục đích chính: Vừa “đánh bóng” thương hiệu, vừa có điều kiện để sàng lọc, tuyển được những công nhân tốt, lành nghề. Nhiều con số “niêm yết” số lượng cần tuyển, chỉ là ảo.
Vậy, đâu là những nguyên nhân chính của việc biến động lực lượng lao động?
Tìm kiếm cơ hội tốt hơn
Tại KCX Linh Trung, sau một hồi làm quen, gợi chuyện, chị Vũ Thị Nga, quê Thanh Hóa, đang nộp hồ sơ xin việc, đã tâm sự với chúng tôi. Trước đây, chị làm việc tại Công ty Frinta (Đài Loan, Trung Quốc) trong KCN Sóng Thần, nhưng do công việc nặng nề mà mức lương chẳng khấm khá gì nên đã nghỉ việc. Tiếp đó, chị xin vào làm việc tại một công ty của nước ngoài khác với công việc quản lý kiểm hàng, nhưng rồi cũng “rút lui” sau hai tháng vì không chịu đựng nổi điều kiện làm việc quá khắt khe tại đây. Tương tự, chị Nguyễn Thị Ly, quê An Giang, cũng đang trong tình trạng thất nghiệp sau khi nghỉ việc tại một chi nhánh thuộc Công ty Phong Phú ở quận 9, TP Hồ Chí Minh. Theo chị Ly, công việc ở DN cũ quá bấp bênh, lúc có lúc không, thu nhập thấp nên chị đã thôi để tìm cơ hội mới.
Tại các KCN ở Đồng Nai, chúng tôi cũng gặp không ít công nhân cùng tình trạng nêu trên. Anh Lê Văn Tân, quê Nam Định, vừa nghỉ việc tại Công ty TNHH Việt Nam NOK, cho biết: Làm việc ở đây, thu nhập mỗi tháng hơn ba triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt, không còn được bao nhiêu. Anh Tân định về quê tìm việc làm, ngoài đó cũng đang cần công nhân, làm việc gần nhà cuộc sống sẽ ổn định hơn. Giống như anh Tân, dù đã làm việc cho Công ty TNHH Nam Yang Việt Nam được bảy năm, nhưng chị Nguyễn Thị Sen, quê Thanh Hóa, cũng đang tìm cách về quê. Chị Sen tâm sự: Làm việc trong này đã lâu nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Ở quê, giờ cũng có KCN rồi, nhiều DN đang thiếu công nhân…
Bình Dương hiện có gần 85% trong số hơn 764 nghìn công nhân là người ở các tỉnh khác đến làm việc tại 15.216 DN trong toàn tỉnh. Theo thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 30 KCN với hơn 400 nghìn công nhân, trong đó có hơn 60% lao động là người ngoài tỉnh. Về mức thu nhập bình quân của mỗi người/tháng: Tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài hơn 3,3 triệu đồng; DN cổ phần vốn Nhà nước 4,6 triệu đồng; DN 100% vốn Nhà nước 5,5 triệu đồng và DN tư nhân là 2,5 triệu đồng. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, trong tình hình giá cả hàng hóa luôn có chiều hướng tăng như hiện nay và mức thu nhập như thế, thì cuộc sống của nhiều công nhân, nhất là ở các ngành may mặc, điện tử rất khó khăn.
Lý giải về tình hình biến động lao động, Ban quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Một phần là do số công nhân về nghỉ Tết đã ở lại quê nhà tìm kiếm việc làm mới để khỏi “ly hương”; phần còn lại, dù người lao động vẫn chấp nhận xa nhà, nhưng tự tìm những nơi làm việc khác có thu nhập cao hơn.
Có một nghịch lý: Trong khi nhiều DN đang ráo riết tuyển công nhân, thì số người đăng ký xin hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lại có chiều hướng tăng. Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay đã có gần năm nghìn lao động đến Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đăng ký hưởng trợ cấp BHTN, tăng hơn ba lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tình trạng này cũng không phải là ngoại lệ ở Bình Dương. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương Phan Thành Sơn cho rằng: Theo quy định hiện hành về chính sách BHTN, đối với những DN có thu nhập thấp, sẽ có lợi cho cả người lao động và DN nhưng gây khó cho công tác quản lý nhà nước. Theo ông Sơn phân tích, có một số công nhân khi có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng thì xin nghỉ hưởng trợ cấp BHTN, sau đó xin việc làm mới, cá biệt, có người vừa mới xin nghỉ đã xin vào làm việc lại ngay tại DN đó. Với những trường hợp ấy, người sử dụng lao động chỉ trả lương cho người lao động mới mà cũ này ở mức xuất phát ban đầu…
Ngoài những nguyên nhân đã nêu, do ảnh hưởng của khó khăn chung, một số DN thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phá sản, làm cho công nhân mất việc làm. Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có bốn DN bỏ trốn, tỉnh phải ứng tiền ngân sách để giải quyết lương cho công nhân, sau đó thanh lý tài sản để hoàn lại.
Trên bình diện chung, việc biến động lao động tại các KCX-KCN ở các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam là có thật và do nhiều nguyên nhân tác động, nhưng việc các DN thiếu hụt lao động là không đáng kể. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện các chế độ, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động để có thể thu hút, ổn định lâu dài nguồn nhân lực…
Theo Nhandan
Ý kiến ()