Biến đổi khí hậu gây khủng hoảng lương thực: Có thể mới chỉ là khởi đầu
Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm ở châu Âu tàn phá cây ngô và ô liu ở châu lục này. Nắng nóng quá mức đã làm khô héo những ruộng cải thảo ở Hàn Quốc, gây ra cuộc “khủng hoảng kim chi”, trong khi lũ lụt nhấn chìm nhiều cánh đồng lúa ở Nigeria.
Các cuộc khủng hoảng đang xảy ra liên quan đến xung đột, thiên tai và đại dịch đã làm “rung chuyển” hệ thống lương thực toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khi lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang gây thiệt hại mùa màng từ châu Âu sang châu Á và đe dọa gây ra nạn đói ở vùng Sừng châu Phi. Đặc biệt, giới chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể mới chỉ là khởi đầu.
Theo các chuyên gia, sản xuất lương thực là nguồn phát thải chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một số nguy cơ đang diễn ra âm ỉ bao gồm sản lượng giảm, nhiệt độ nước biển tăng và nắng nóng đang đe dọa người nông dân.
‘Rung chuyển’ hệ thống lương thực toàn cầu
Giáo sư Rachel Bezner Kerr thuộc Đại học Cornell, tác giả chính của báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cho rằng các yếu tố khác như lũ lụt có thể gây thiệt hại bất ngờ đối với sinh kế và cơ sở hạ tầng. Chính những nhân tố này có thể tác động ngược lại chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo các cuộc khủng hoảng khác.
Vào đầu năm nay, thời tiết cực đoan và đại dịch COVID-19 đã đẩy chi phí lương thực lên gần mức cao kỷ lục. Cũng trong năm nay, xung đột bùng phát giữa Nga và Ukraine, hai quốc gia xuất khẩu ngũ cốc và dầu hướng dương chính, càng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Tiếp sau đó, khu vực Nam Á đã ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục làm các loại cây trồng khô héo. Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm ở châu Âu cũng tàn phá cây ngô và ô liu ở châu lục này. Nắng nóng quá mức đã làm khô héo những ruộng cải thảo ở Hàn Quốc, gây ra cuộc “khủng hoảng kim chi”, trong khi lũ lụt nhấn chìm nhiều cánh đồng lúa ở Nigeria.
Ở Trung Quốc, nhà chức trách nước này đã phải triển khai các máy bay không người lái làm mưa nhân tạo trong bối cảnh đợt khô hạn nghiêm trọng xảy ra ở lưu vực sông Dương Tử, nơi có hơn 30% diện tích cây trồng của nước này.
Chuyên gia Mamadou Goita thuộc Nhóm chuyên gia quốc tế về hệ thống lương thực bền vững (IPES-Food), tổ chức làm việc với các hội nông dân ở châu Phi và trên thế giới, cho rằng nếu con người không hành động ngay từ bây giờ, thì đây chỉ là một số ví dụ về những gì có thể xảy ra trong những năm tới.
Mỗi 4 giây lại có 1 người tử vong vì đói
Cũng theo các chuyên gia, những người dễ bị tổn thương nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết khoảng 22 triệu người ở Kenya, Somalia và Ethiopia đang có nguy cơ bị chết đói sau 4 mùa không có mưa.
Theo báo cáo của gần 200 nhóm cứu trợ được công bố hồi tháng 9, trên toàn cầu, ước tính mỗi 4 giây lại có 1 người tử vong vì đói, trong khi 345 triệu người, con số kỷ lục, đang trải qua nạn đói cấp tính.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết 50 quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó có Pakistan. Quốc gia Nam Á này đã phải hứng chịu các trận lũ lụt nghiêm trọng nhấn chìm những vùng đất nông nghiêp rộng lớn, tàn phá các loại cây lương thực chủ yếu như lúa, cà chua và hành, đồng thời làm chết 2% gia súc.
Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực dự kiến sẽ là một trong những nội dung được các nước tập trung thảo luận tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11 tới.
Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi thế giới tập trung vào “mối đe dọa hiện hữu” mà nhân loại phải đối mặt là “biến đổi khí hậu,” tránh bị chệch hướng mục tiêu bởi các cuộc xung đột và khủng hoảng quốc tế hiện nay./.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()