Biến chứng đau mắt đỏ ở trẻ: Cha mẹ cần lưu ý điểm gì?
Biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu) là những điều cha mẹ cần lưu ý khi con có thể gặp phải khi bị đau mắt đỏ.
Trẻ bị đau mắt đỏ vừa được bác sĩ bóc giả mạc. (Ảnh: THẾ KHẢI) |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang có dịch viêm kết mạc cấp.
Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc và thường xảy ra ở người có sức khoẻ yếu, người già, trẻ nhỏ.
Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc và thường xảy ra ở người có sức khoẻ yếu, người già, trẻ nhỏ. |
Bệnh viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt. Nguyên nhân thường gặp nhất là do Adenovirus, bệnh thể lây lan thành dịch. Hằng năm, cứ vào dịp hè nắng nóng ở những nơi đông dân cư (thành phố, đô thị) lại xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp do Adenovirus, thường gọi là dịch đau mắt đỏ.
Hiện nay, tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang có dịch viêm kết mạc cấp với khá nhiều người bị nhiễm, nên mọi người cần cẩn thận phòng tránh lây nhiễm.
Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).
Viêm kết mạc cấp khi phản ứng viêm mạnh thì mi sẽ sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc). Giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được.
Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc thì cần phải bóc đi, sau khi bóc giả mạc có thể tái phát lại nên cần phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn.
Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm. Thông thường không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân (tiêm, uống).
Viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.
Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn và khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trẻ em lại không hợp tác nên rất khó điều trị, khó tra nhỏ thuốc vào mắt và thậm chí khi nhỏ thuốc vào mắt rồi thì trẻ lại khóc làm cho nước mắt rửa trôi hết thuốc.
Trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn và khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. |
Khi điều trị bệnh viêm kết mạc cấp cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng vì trẻ không tự dùng thuốc được. Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp đặc biệt là trường hợp bệnh nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt.
Cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng theo hẹn hoặc đưa trẻ đến khám lại ngay khi có diễn biến bất thường.
Nguồn:https://nhandan.vn/bien-chung-dau-mat-do-o-tre-cha-me-can-luu-y-diem-gi-post773942.html
Ý kiến ()