BIDV thu về hơn 20 nghìn tỷ đồng sau khi bán 15% vốn điều lệ cho đối tác Hàn Quốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký kết giữa BIDV và đối tác Hàn Quốc.
Cùng tham dự buổi lễ có lãnh đạo Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp,… và ông Kim Jung Tai, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết: đây là sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của BIDV, giúp BIDV thay đổi căn cơ các dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Đối tác chiến lược của BIDV trong giai đoạn tới là Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc), thuộc Tập đoàn tài chính Hana – công ty đầu tiên của Hàn Quốc và là một trong những công ty nắm giữ ngân hàng lớn nhất tại Hàn Quốc.
Sau 2,5 năm đàm phán kỹ lưỡng, BIDV đã hoàn tất phát hành hơn 603 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 15% vốn điều lệ sau chào bán cho Ngân hàng KEB Hana Bank cách đây 12 ngày.
Với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu, ngân hàng phía Việt Nam thu về số tiền gần 20.300 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu. Sau khi trừ chi phí phát hành, tổng thu ròng từ đợt chào bán của BIDV là 20.208 tỷ đồng. Vốn điều lệ của BIDV cũng tăng từ 34.187 tỷ lên 40.220 tỷ đồng, và là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường hiện nay.
Cùng với việc tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại ngân hàng này cũng giảm xuống còn 81% từ mức 95,28% trước đó. KEB Hana Bank cũng trở thành cổ đông ngoại lớn nhất và là cổ đông lớn thứ hai tại BIDV sau sở hữu của Nhà nước.
Lô cổ phần mà KEB Hana Bank mua sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng năm năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Theo kế hoạch sử dụng vốn sau phát hành, ngoài việc bổ sung tiền vào vốn điều lệ, ngân hàng sẽ dùng tiền để mở rộng một số lĩnh vực và tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay.
Tại buổi lễ, đại diện KEB Hana Bank cũng khẳng định sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác với BIDV trở thành hình mẫu trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam và sẽ mở rộng sang lĩnh vực fintech, tiến tới khu vực tiểu vùng sông Mê Công, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()