BIDV chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường
Ký thỏa thuận phối hợp 4 nhà đẩy mạnh Chương trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát tăng cao, đầu tư trong nước giảm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I năm 2012 chỉ tăng 4% so cùng kỳ năm 2011, mức tăng thấp nhất kể từ quý I năm 2009. Trong đó, tăng trưởng công nghiệp và xây dựng sụt giảm mạnh nhất khi chỉ tăng trưởng 2,94% (quý I năm 2011 tăng 5,71%). Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm nay chỉ tăng 4,1%, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được công bố.Những con số này cho thấy sản xuất công nghiệp và xây dựng (lĩnh vực đóng góp hơn 40% GDP) đang gặp rất nhiều khó khăn. Đình trệ và trì trệ sản xuất kinh doanh diễn ra khá sâu ở một số lĩnh vực và trên diện rộng. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý I vừa qua, có khoảng 10.350 doanh...
Ký thỏa thuận phối hợp 4 nhà đẩy mạnh Chương trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. |
Những con số này cho thấy sản xuất công nghiệp và xây dựng (lĩnh vực đóng góp hơn 40% GDP) đang gặp rất nhiều khó khăn. Đình trệ và trì trệ sản xuất kinh doanh diễn ra khá sâu ở một số lĩnh vực và trên diện rộng. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý I vừa qua, có khoảng 10.350 doanh nghiệp giải thể, phá sản, dừng hoạt động…
Để tháo gỡ khó khăn, ngay từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Chính phủ đã đề ra và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp chỉ đạo điều hành nền kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Chính phủ đã có Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều quyết định điều hành chính sách tiền tệ phù hợp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua bối cảnh kinh tế khó khăn, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh. BIDV đã chủ động triển khai các biện pháp, cơ chế như: Thực hiện cơ cấu nợ, giảm lãi suất vay vốn, giảm phí dịch vụ, đánh giá lại doanh nghiệp… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.
Đối với cho vay phát triển các ngành nghề, từ ngày 29-1-2011 BIDV đã tổ chức chương trình tài trợ xuất khẩu theo ngành nghề với trị giá 5.000 tỷ đồng. Tham gia chương trình này, doanh nghiệp kinh doanh thương mại hay sản xuất chế biến xuất khẩu trong lĩnh vực thủy sản, dệt may, da giày, gỗ, cà-phê và các nông sản khác được BIDV tài trợ vốn với các điều kiện linh hoạt về tài sản bảo đảm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so lãi suất ưu đãi cho vay xuất khẩu hiện hành.
Về việc mua thóc gạo tạm trữ vụ Đông Xuân 2011-2012, BIDV đã chỉ đạo quyết liệt thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình cho vay tạm trữ thóc gạo, chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai cho vay với lãi suất tối đa 14% và ưu tiên dành nguồn vốn bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tạm trữ thóc, gạo nhằm bình ổn giá theo định hướng của Chính phủ. Mặc dù thời gian hỗ trợ lãi suất theo Chương trình chỉ ba tháng (từ 15-3-2012 đến 30-6-2012), tuy nhiên, BIDV đã thực hiện cho vay các doanh nghiệp đến sáu tháng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đối với ngành dệt may, BIDV đã xây dựng gói sản phẩm tài trợ ngành dệt may trên nguyên tắc trọn gói, khép kín, phù hợp nhu cầu của khách hàng, tuân thủ quy định của pháp luật và của BIDV.
Đối với lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng là lĩnh vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nợ lớn, hàng tồn kho nhiều, không còn nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện dự án…, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, một số doanh nghiệp không trụ nổi dẫn đến phá sản. Thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 2056/NHNN-CSTT ngày 10-4-2012 của NHNN, từ ngày 12-4-2012, BIDV thực hiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, điều chỉnh lãi suất cho vay bất động sản là 16%/năm và chỉ tập trung cho vay đối với những dự án sắp hoàn thành.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô trong nước đã có nhiều cải thiện nhưng chưa thật sự ổn định, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn, vẫn còn nguy cơ có thể tăng cao, dự báo tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong tháng 4-2012, BIDV đã chủ động tổ chức hai buổi tọa đàm về “Đánh giá thực trạng hoạt động và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” tại Hà Nội với sự tham gia của tám hiệp hội ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế tham dự gồm Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Chè, Hiệp hội Cà-phê Việt Nam… và “Biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” tại TP Hồ Chí Minh nhằm cùng với doanh nghiệp bàn cách tháo gỡ khó khăn.
Ngay sau các tọa đàm nêu trên, BIDV đã xây dựng gói hỗ trợ đầu ra cho thị trường bất động sản, cụ thể là BIDV dành 4.000 tỷ đồng tài trợ cho người mua nhà với lãi suất 16%/năm, thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà; phối hợp với chủ đầu tư để cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cho vay, hỗ trợ lãi suất để thu hút nhà đầu tư bán lẻ có nhu cầu mua bất động sản.
Tiếp đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, BIDV đã chủ động đề xuất triển khai chương trình liên kết “4 nhà” hỗ trợ cung cấp tín dụng, thanh toán giữa Chủ đầu tư – Ngân hàng – Nhà thầu – Nhà cung cấp vật liệu xây dựng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản vượt qua khó khăn, giảm bớt công nợ và hàng tồn kho, nhanh chóng hoàn thành công trình, dự án với giá thành hợp lý. Theo đó, BIDV đứng ra làm đầu mối trung gian liên kết “4 nhà” và thực hiện cung ứng theo chuỗi. Phương thức mới này sẽ khắc phục các hạn chế trước đây như: tổng khối lượng tín dụng cung cấp cho nền kinh tế cao hơn khối lượng thực tế cần đáp ứng do tài trợ riêng rẽ và thiếu đi vai trò trung gian thanh toán bù trừ; tốc độ luân chuyển vốn chậm do có “độ trễ” trong thanh toán giữa Chủ đầu tư với Nhà thầu và giữa Nhà thầu với Nhà cung cấp VLXD, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh;…
Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết: “Gói liên kết “4 nhà” mà BIDV đưa ra sẽ tập trung giải quyết khó khăn trước tiên của các doanh nghiệp bất động sản là vốn. Điểm thuận lợi của các doanh nghiệp, nhất là các chủ đầu tư dự án, nhà thầu xây dựng và nhà cung ứng nguyên vật liệu khi tham gia chuỗi liên kết này sẽ được tài trợ tối đa đến 80% giá trị phương án, dự án sản xuất kinh doanh, thời hạn linh hoạt phù hợp với đặc thù hoạt động của từng chủ thể để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện mang tính chất liên hoàn, không bị “nghẽn mạch” về vốn ở bất cứ khâu nào. Trong liên kết này, các đối tác sẽ hoàn toàn có sự tin tưởng về khả năng cung ứng cũng như trả nợ của nhau bởi BIDV đã đứng ra tạo dựng mối liên kết cũng như bảo lãnh về thanh toán cho các bên tham gia”.
Để triển khai chương trình này, BIDV đã kết hợp với Bộ Xây dựng để phối hợp triển khai chương trình xây nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và nhà ở công nhân tại khu công nghiệp. Theo đó, trong năm 2012 và 2013, BIDV sẽ dành 2.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các nhà thầu, chủ đầu tư, nhà cung cấp vật liệu xây dựng với lãi suất ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiết giảm chi phí, xây dựng những căn hộ giá rẻ nhất cho người dân.
Để hiện thực hóa cam kết của BIDV cho thị trường bất động sản, những hợp đồng nguyên tắc đầu tiên của chương trình này đã được ký kết theo phương thức liên kết “4 nhà” với các chủ đầu tư: Tổng công ty Viglacera – chủ đầu tư dự án Khu đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại ô đất N05 thuộc dự án Khu đô thị Đặng Xá 2, Gia Lâm, Hà Nội; Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa với dự án nhà ở xã hội Lạc Long Quân tại phường 9, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; Công ty CP Bê-tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai với dự án đầu tư xây dựng khu dân cư cho người thu nhập thấp TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc; Liên doanh Công ty CP Đức Mạnh – Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 579 với dự án xây dựng khu chung cư thu nhập thấp An Trung 2 tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Dự kiến, khi các dự án này hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường hơn 4.000 căn hộ cho người thu nhập thấp với giá mà chủ đầu tư cam kết không quá 10 triệu đồng/m2.
BIDV cũng đã chính thức ký thỏa thuận hỗ trợ lãi suất cho khách mua căn hộ tại dự án Nam Đô COMPLEX do Công ty CP Đầu tư dầu khí toàn cầu làm chủ đầu tư, với mức lãi suất cho vay tiêu dùng 16%/năm. Đây là hoạt động nằm trong gói 4.000 tỷ đồng liên kết “4 nhà” do BIDV đưa ra giúp người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, hai gói tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản – xây dựng của BIDV ra đời đúng lúc, đúng nhu cầu, nếu triển khai được tốt, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ giúp hàng hóa lưu thông, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và giúp nền kinh tế sôi động hơn.
Thông qua chương trình này, BIDV một lần nữa thể hiện vai trò chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn và tiên phong thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ để vực sản xuất và hỗ trợ thị trường trong điều kiện khó khăn trước mắt của nền kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()