BIDV 55 năm: Niềm tin, tự hào góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Mở rộng hợp tác tại Mi-an-ma. Ngày 26-4-1957, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 177-TTg về việc thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam - tiền thân của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay. Trên chặng đường dài 55 năm xây dựng và trưởng thành (1957 - 2012), BIDV luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, đồng hành cùng đất nước, vượt qua mọi thử thách cả bên trong và bên ngoài để làm tròn trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp sức làm giàu đất nước. Thành tựu đạt được của BIDV qua các thời kỳ đã chứng minh điều đó.Thời kỳ 1957 đến 1981Đây là thời kỳ mở đầu khó khăn nhất, bởi đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, kiến thiết cơ bản đòi hỏi phải có một khối lượng vốn lớn, theo đó phải có một cơ quan chuyên trách quản lý. Từ thực tiễn này, Bộ Tài chính đã soạn thảo văn bản trình...
Mở rộng hợp tác tại Mi-an-ma. |
Ngày 26-4-1957, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 177-TTg về việc thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam – tiền thân của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay. Trên chặng đường dài 55 năm xây dựng và trưởng thành (1957 – 2012), BIDV luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, đồng hành cùng đất nước, vượt qua mọi thử thách cả bên trong và bên ngoài để làm tròn trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp sức làm giàu đất nước. Thành tựu đạt được của BIDV qua các thời kỳ đã chứng minh điều đó.
Thời kỳ 1957 đến 1981
Đây là thời kỳ mở đầu khó khăn nhất, bởi đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, kiến thiết cơ bản đòi hỏi phải có một khối lượng vốn lớn, theo đó phải có một cơ quan chuyên trách quản lý. Từ thực tiễn này, Bộ Tài chính đã soạn thảo văn bản trình Chính phủ “Đề án chuyển Vụ Cấp phát vốn kiến thiết cơ bản thành Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam” thuộc Bộ Tài chính quản lý, được Chính phủ chấp thuận sau đó không lâu. Ngày 26-4-1957, Nghị định số 177-TTg, “Giấy khai sinh” của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam – tiền thân của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay bắt đầu có hiệu lực. Ngày 26-4-1957, Báo Nhân Dân đã có bài, khẳng định: Ngân hàng Kiến thiết được thành lập sẽ là cơ quan chuyên trách việc cấp phát kịp thời vốn kiến thiết cơ bản theo kế hoạch và dự toán Nhà nước; thi hành chặt chẽ nguyên tắc tiền nào việc ấy, giảm bớt tình trạng ứ đọng tiền vốn; ngăn ngừa việc xây dựng những công trình không có trong kế hoạch để tập trung vốn sử dụng vào những công trình trong kế hoạch; bảo đảm tiến độ, chất lượng được giao. Điều đó đã được chứng minh qua bốn năm đầu khởi nghiệp (1957 – 1960), ngân hàng đã cung ứng 1,483 tỷ đồng vốn (theo giá năm 1960) tương đương 14.830 tỷ đồng (theo giá năm 1995) cho xây dựng cơ bản; thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ nhất 1961 – 1965 mà Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III (tháng 9-1960) đề ra, ngân hàng đã cung ứng 3.267 tỷ đồng vốn (theo giá so sánh năm 1995)… Từ những đồng vốn quý báu được đưa vào cuộc sống trong giai đoạn này, đã có 358 dự án, công trình xây dựng lớn trên hạn ngạch hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội: như hệ thống Đại thủy nông Bắc Hưng Hải; khu công nghiệp Cao – Xà – Lá ở Thượng Đình (Hà Nội); khu Gang thép Thái Nguyên; các nhà máy thủy điện Bản Mạch (Thanh Hóa); Nà Sa (Cao Bằng), phân lân Văn Điển, Supe phốt phát Lâm Thao, phân đạm Hà Bắc, hai nhà máy xi-măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Nhà máy cơ khí đóng tàu Hạ Long, Nhà máy đường La Ngà…
Thời kỳ 1981 đến 1990
Thực hiện Quyết định số 259-CP ngày 24-6-1981 của Hội đồng Chính phủ, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng kiến thiết Việt Nam và Quỹ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ thu hút và quản lý tất cả các nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh và các tổ chức xã hội. Sự ra đời của ngân hàng đúng vào thời kỳ cả nước đang tập trung sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 5 và kế hoạch 5 năm 1981 – 1985. Vấn đề cấp bách đặt ra lúc này là vừa phải gấp rút xây dựng ổn định mô hình tổ chức mới, vừa phải khẩn trương cải tiến một số chế độ nghiệp vụ cho phù hợp với yêu cầu đổi mới của hệ thống tài chính – tiền tệ – tín dụng. Các hình thức ứng trước chi phí giữa các tổ chức giao thầu và nhận thầu thì nay phải chuyển sang phương thức tín dụng giữa ngân hàng với ngành xây dựng… Tiếp theo đó là nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và kế hoạch 5 năm 1986 – 1990 với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Ngân hàng đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, kiểm tra, rà soát, tập trung vốn cho những công trình trọng điểm, loại bớt những công trình chưa thật sự cần thiết ra khỏi đối tượng cấp vốn. Hiệu quả đồng vốn được nâng lên rõ rệt, đánh dấu thời điểm toàn ngành ngân hàng thực hiện mạnh mẽ công cuộc đổi mới theo hướng chuyển sang hạch toán kinh tế gắn với kiềm chế, đẩy lùi lạm phát và không để ách tắc dòng vốn trong xây dựng cơ bản. Nhờ vậy, đến năm 1990, ngân hàng đã cho 600 dự án vừa và nhỏ vay vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị giúp doanh nghiệp vực dậy sức sản xuất. Theo các chuyên gia kinh tế, những đóng góp của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng trong thời kỳ này là lớn hơn trước gấp bội, cả về tổng nguồn vốn đã cấp phát và cho vay, tổng tài sản cố định đã hình thành trong nền kinh tế, về những đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế quốc dân, cải thiện đời sống cộng đồng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thời kỳ 1990 đến 2011
Để thực hiện đúng đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, nền kinh tế nước ta phải chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước theo định hướng XHCN, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ thử nghiệm việc “cho vay thay cấp phát” trong kế hoạch đầu tư xây dựng nhằm “cứu sản xuất” và “xóa bỏ bao cấp trong đầu tư dài hạn”, thực hiện “có vay có trả” minh bạch sòng phẳng. Với hơn 300 tỷ đồng vốn đầu tư thử nghiệm thành công đã tạo tiền đề lớn cho công cuộc đổi mới đó. Vì vậy, ngày 14-11-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 401/CT đổi tên Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với chức năng: Huy động vốn trung, dài hạn trong nước, ngoài nước; nhận vốn từ NSNN cho vay các dự án phát triển kinh tế, kỹ thuật; kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng… Vậy là lần đầu BIDV được công nhận là một pháp nhân hạch toán kinh tế độc lập, được Nhà nước cấp vốn điều lệ 200 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD theo tỷ giá hiện hành); được tự chủ về tài chính và có con dấu riêng. Sau khi đã có đủ điều kiện, quy chế tự chủ hoạt động trong nền kinh tế thị trường, BIDV đã nhanh chóng vào cuộc “xóc lại hành trang” hội nhập, vươn ra biển lớn gặt hái thành công.
Đặc biệt, BIDV còn là ngân hàng đầu tiên cung ứng các sản phẩm: cho thuê tài chính, chứng khoán, bảo hiểm… là một trong “Tốp” đầu trong việc thành lập ngân hàng liên doanh Việt Nam và Lào. Bước sang giai đoạn 2001 – 2005, BIDV không chỉ đơn thuần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng, quản lý tài chính mà còn bắt đầu tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản trị điều hành. Quy mô và chất lượng hoạt động của BIDV được xếp vào “Tốp” đầu trong giới NHTM trong nước và nước ngoài hiện có mặt tại Việt Nam. So với năm 2000, đến năm 2005, BIDV đã có vốn chủ sở hữu tăng bốn lần, quỹ dự phòng rủi ro tăng 3,5 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 4,3 lần. Các chỉ số ROA, ROE đều tăng từ 0,32% lên 0,51% và 6,02% lên 9,8%… Là một trong hai ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có hệ thống ngân hàng lõi đạt chuẩn quốc tế.
Năm 2010 – năm cuối của việc thực hiện kế hoạch kinh doanh phát triển giai đoạn 2006 – 2010, là 5 năm cùng đất nước hội nhập WTO, BIDV đã không ngừng lớn mạnh, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, an toàn. Tổng tài sản đạt gần 366.270 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2009. Huy động vốn tăng 23,5%, dư nợ tín dụng tăng bình quân 25%/năm. Tương tự, lợi nhuận trước thuế 46%/năm, thu dịch vụ ròng 50%/năm. Trật tự, kỷ cương, kinh doanh hiệu quả, an toàn, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước và cộng đồng; “Chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công”… là phương châm hoạt động của tập thể hơn 16 nghìn cán bộ, công nhân viên chức hệ thống BIDV…
Từ những thành tựu đạt được nêu trên, BIDV phấn khởi, tự tin nhìn lại chính mình khi trở thành một ngân hàng mạnh đạt đẳng cấp quốc tế, có đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu vào thương trường tài chính – tiền tệ thế giới.
Bước lên tầm cao mới
Chưa dừng lại ở đó, bước vào năm 2011 – năm đầu tiên của quá trình tái cấu trúc, BIDV tiếp tục phát huy vai trò định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, đi đầu trong việc hạ lãi suất tín dụng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh, tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư và khẳng định thương hiệu sáng giá trên trường quốc tế. Các nội dung lớn của tái cơ cấu mà toàn hệ thống đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả đã có tín hiệu vui là: (1) tái cấu trúc mọi hoạt động và sản phẩm, (2) tái cấu trúc mô hình tổ chức và kênh phân phối, (3) tái cấu trúc vốn và chủ sở hữu vốn. Kết thúc năm 2011, tổng tài sản của BIDV tăng 15% so với năm 2010, huy động vốn tăng 6,8%, dư nợ tín dụng gần 17%, thấp nhất trong ba năm trở lại đây, đúng chỉ đạo của NHNN, thu dịch vụ ròng tăng cao nhất 26%, hệ số an toàn vốn (CAR) đạt hơn 10% (năm 2010 – năm cao nhất chỉ ở mức 9,32%)… Trên đà kinh doanh ổn định, phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, ngày 30-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2124/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa BIDV. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 8-3-2012, BIDV đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, với tên gọi mới “Ngân hàng thương mại cổ phần BIDV” có tổng vốn điều lệ hơn 23.011 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước chiếm 95,76%, cán bộ, công nhân viên 0,56% và giá trị cổ phần bán đấu giá qua sàn giao dịch chứng khoán chiếm 3,68%. Tất cả các cổ đông dự Đại hội đều nhất trí, quyết tâm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 2012 tăng từ 17 đến 36% so với năm 2011. Riêng tỷ lệ nợ xấu chỉ dưới 2,8%, bảo đảm an toàn hệ số sinh lời đồng vốn để có tỷ lệ chi trả cổ tức năm, khoảng 14%.
55 năm xây dựng và phát triển là kết quả của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, của ý chí nỗ lực vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách của các thế hệ CBCNV trong toàn hệ thống, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chủ động tham gia tài trợ vốn cho các chương trình dự án lớn của quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống, BIDV vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất (lần 2) là nguồn cổ vũ to lớn, là động lực để BIDV tiếp tục vươn lên, lập thành tích mới lớn hơn, toàn diện hơn, góp phần làm giàu đất nước.
Những phần thưởng cao quý Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 1989 – 1999 Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007 Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2002, 2012 Huân chương Độc lập hạng ba năm 1999 Huân chương Lao động hạng nhất năm 1997 Huân chương Lao động hạng nhì năm 1992 Huân chương Lao động hạng ba năm 1987 2 Huân chương Độc lập hạng ba dành cho hai tập thể xuất sắc 165 Huân chương Lao động các hạng dành cho các tập thể, cá nhân * Phần thưởng do Đảng, Nhà nước và Chính phủ nước CHDCND Lào trao tặng: Huân chương Độc lập năm 2012 Huân chương Hữu nghị năm 2007 Huân chương Lao động hạng nhì năm 2002 Tám Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho các tập thể, cá nhân. * Phần thưởng do Chính phủ Hoàng Gia Vương quốc Cam-pu-chia trao tặng: Huân chương Công trạng hạng nhất năm 2010 Tám Huân chương Công trạng các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho các tập thể, cá nhân. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()