Bí xanh giá rẻ vẫn “bí” đầu ra
– Thời điểm này, nông dân trồng bí xanh trên địa bàn tỉnh đang bước vào mùa thu hoạch. Thế nhưng hiện tại, giá bí xanh xuống rất thấp, chỉ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg, giảm 2 đến 3 lần so với năm ngoái. Thậm chí tại một số nơi, thương lái không đến thu mua nên bí xanh không có đầu ra, khiến người dân trồng bí thất thu.
Người dân xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng thu hoạch bí xanh
Hữu Lũng là một trong những huyện có diện tích trồng bí xanh lớn trên địa bàn tỉnh (47 ha). Thời điểm này, người dân tại đây đang bước vào vụ thu hoạch bí xanh. Tuy nhiên, khác với hình ảnh tất bật thu hoạch để kịp bán cho thương lái như trước đây, năm nay, nhiều vườn bí của người dân đã vàng úa, nhưng vẫn không có người thu hái.
Chị Phùng Thị Hương, thôn Đồng Tiến, xã Hòa Sơn chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi đang có hơn 2 sào bí xanh. Mọi năm, bí xanh được thương lái đến thu mua với giá dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg nhưng hiện tại giá thu mua xuống rất thấp, chỉ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Mặc dù giá bí giảm sâu nhưng từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi vẫn chưa được thương lái đến thu mua. Để hạn chế thiệt hại, bù đắp lại phần chi phí đã bỏ ra, tôi phải mang ra chợ bán lẻ với giá 5.000 đồng/kg, thậm chí là thấp hơn. Tuy nhiên, số lượng bán ra không đáng kể, với tình hình này, vụ bí năm nay, gia đình tôi chỉ mong thu lại số tiền 2 triệu đồng đã bỏ ra để đầu tư và coi như không có lãi, mất gần 3 tháng bỏ công trồng, chăm sóc.
Không chỉ tại huyện Hữu Lũng, nông dân trồng bí xanh tại huyện Văn Quan cũng cùng chung cảnh ngộ. Chị Nông Thị Trang, thôn Khòn Cải, xã Tân Đoàn cho biết: Vụ bí xanh năm ngoái, gia đình tôi trồng gần 3 sào bí và thu được trên 10 triệu đồng. Thấy có lãi, năm nay, gia đình tôi tiếp tục gieo trồng và duy trì diện tích gần 3 sào và bỏ ra trên 3 triệu đồng để đầu tư giống và phân bón. Thế nhưng, hiện đã gần cuối vụ nhưng gia đình tôi vẫn còn khoảng hơn 1 tấn bí xanh quá lứa nằm trên giàn chưa thu hoạch do rất ít thương lái đến thu mua và giá bán thấp chỉ 2.000 đồng/kg đối với bí loại 1 (quả to, đẹp). Không thể trông chờ vào thương lái, tôi phải cắt bí xanh ra chợ bán lẻ với giá chỉ 3.000 đến 4.000 đồng/kg nhưng cũng rất ít người mua, số tiền thu về chỉ đủ bù lại tiền giống, phân bón cho cây.
Ông Chu Văn Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Văn Quan là huyện trồng bí lâu năm của tỉnh. Tuy nhiên, do bà con trồng mang tính tự phát, không có đầu ra ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên giá bí bấp bênh, thay đổi theo từng mùa vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 42 ha trồng bí xanh, tập trung chủ yếu ở các xã như: Tân Đoàn, Tràng Các, Tràng Phái… Ước tính năm nay, sản lượng bí xanh của huyện đạt 592 tấn. Sản lượng thu hoạch khá lớn nhưng số lượng bí xanh được thương lái đến thu mua không cao. Cùng đó, việc giá bí xuống thấp, hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến nhiều hộ trồng bí thất thu. Thời gian tới, để hỗ trợ người dân, phòng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua; hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý; theo dõi, khuyến cáo người dân kịp thời để nắm bắt nhu cầu của thị trường, hạn chế tình trạng cung vượt cầu, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.
Ngoài hai huyện kể trên, người dân trồng bí trên địa bàn tỉnh đều đang gặp phải tình trạng thất thu do bí xanh mất giá. Theo số liệu thống kê, vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh có trên 275 ha trồng bí xanh (tăng trên 9 ha so với năm 2022), trong đó, tập trung chủ yếu tại một số huyện như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan… Năng suất bí xanh đạt trên 207 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 5.730 tấn.
Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, nguyên nhân bí xanh mất giá là do người dân trồng mang tính tự phát, không liên kết bao tiêu sản phẩm, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Vì vậy, năm nào ít hoặc không có thương lái đến thu mua sẽ xảy ra tình trạng bí xanh mất giá. Cùng đó, năm nay, do chịu ảnh hưởng của thời tiết, cây trồng dễ bị sâu bệnh nên chất lượng, mẫu mã bí xanh giảm, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của người dân.
Bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Bí xanh là loại cây được người dân đưa vào trồng từ lâu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, người dân hiện nay sản xuất bí chưa có liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thu mua nên đây không phải là năm đầu tiên tình trạng bí xanh rớt giá diễn ra. Để hỗ trợ nông dân trồng bí có hướng phát triển ổn định, bền vững hơn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tại các huyện tuyên truyền, khuyến cáo bà con sản xuất bí chủ động nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường, không trồng ồ ạt; hướng dẫn, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chăm sóc theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; tiếp tục tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hỗ trợ, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, từ đó, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Từ tình trạng trên, có thể thấy, nếu trồng ồ ạt, không có định hướng phát triển phù hợp, không có sự liên kết bao tiêu sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ ổn định thì chắc chắn câu chuyện bí xanh mất giá sẽ còn tiếp diễn, không chỉ đối với cây bí xanh mà còn có thể xảy ra với những loại cây trồng khác. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, thực hiện các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm, ứng dụng kinh tế số… từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho nông sản địa phương.
KIM CHI - MAI LINH
Ý kiến ()