Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải: Hạ tầng giao thông của Thủ đô chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển
Ngày 7/3, UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015, Hà Nội đã triển khai đầu tư hoàn thành một số công trình giao thông cấp bách chống ùn tắc giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông từ 114 điểm ùn tắc năm 2011 xuống còn 46 điểm.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững – Đồng bộ – Hiện đại. Trong đó có 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 2 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía. Trong đô thị, có 1 cao tốc, 2 đường vành đai và 11 trục chính phía Bắc sông Hồng, 9 trục phía Nam sông Hồng.
Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cộng 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, 4 cầu mới cùng 4 cầu hiện hữu qua sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông khác. Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm, 8 tuyến xe buýt nhanh… Đến năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá thời gian qua, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là các dự án giao thông trên đường bộ.
Cụ thể, trong năm 2015, Bộ Giao thông vận tải và TP Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều công trình có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông như: Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, hầm Trung Hòa, hầm Thanh Xuân, đường 5 kéo dài, đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, bên cạnh những kết quả đã đạt được, không ít dự án trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như vốn để triển khai dự án. Đơn cử như các dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hòa Lạc – Hòa Bình; Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2… Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án cũng như công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nội đô.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với thành phố trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, hoàn thành nhiều công trình quan trọng.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển. Các tuyến đường vành đai, như vành đai 1, 2, 3, các trục hướng tâm và các tuyến phố chính đô thị đều chưa kết nối hoàn chỉnh, các tuyến vành đai 4, 5 chưa được đầu tư xây dựng.
Đồng chí Hoàng Trung Hải nhận định, hệ thống vận tải hành khách công cộng đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội triển khai còn chậm. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông có nguy cơ tăng cao trở lại. Hạ tầng giao thông Hà Nội đang ở mức báo động. Báo động vì từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn trong tham gia giao thông.
Đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng thành phố Hà Nội chủ động triển khai ngay quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội và quy hoạch chung vùng Thủ đô. Cụ thể, sớm thuê đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu để triển khai các quy hoạch chi tiết chuyên ngành như quy hoạch vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy, đường sắt đô thị đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn Thủ đô đồng bộ, hiện đại…
Đề cập tới hiện trạng phương tiện cá nhân trên địa bàn Hà Nội tiếp tục bùng nổ, khi hiện nay có 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ô tô, 10 nghìn xe đạp điện. Tốc độ tăng ô tô hàng năm khoảng 17%, xe máy 11%, Bí thư Thành ủy Hà Nội ví đây là sự tăng trưởng “nước sôi” chứ không còn là tăng trưởng “nóng” nữa. Để ứng phó với tình trạng này, nguồn vốn cho hạ tầng của Hà Nội cũng như cho cả nước luôn chiếm phần lớn chi ngân sách, nhưng sẽ luôn không đủ, không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, bài toán cho giao thông vận tải “đừng chỉ nhìn vào hạ tầng, mà phải chú trọng vào công tác quản lý”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Hoàng Trung Hải “Những giải pháp về quản lý nếu làm tốt, đồng bộ, có thể giải quyết được 30% các vấn đề “nóng” về giao thông vận tải hiện nay.
Tương tự, tỷ lệ 8,65% đất cho giao thông là còn thấp, giao thông tĩnh có 0,8% là rất thấp. Vận tải công cộng đáp ứng 8% nhu cầu là còn xa mới đáp ứng mục tiêu và “các vấn đề về hạ tầng giao thông đi lại của Hà Nội là đáng báo động, quá tải về đi lại, mất an toàn và hiệu quả kinh tế xã hội bị ảnh hưởng”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của các phương tiện giao thông từ xe buýt, xe công trường, vệ sinh đường phố, trật tự an toàn các bến xe bến tàu, từ vỉa hè đến đường phố, tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho Thủ đô ngay từ “bộ mặt” giao thông….
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()