Bí thư Ðảng ủy xã nói đi đôi với làm
Xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Cạn) có các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông cùng chung sống, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều phong tục tập quán lạc hậu... nhưng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những thay đổi đó, có dấu ấn sâu đậm của Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Chung.Mười hai năm trong quân ngũ, hơn 20 năm công tác ở xã với nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ năm 2010, đồng chí Hoàng Văn Chung (trong ảnh) được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chu. Hơn 30 năm ấy với những khó khăn, gian khổ, thách thức đã đào luyện nên ý chí phấn đấu và bản lĩnh của người lãnh đạo hôm nay ở đồng chí Chung. Đồng chí luôn tâm niệm: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải có tác phong sâu sát, gần dân; gắn với thực tiễn, nói phải đi đôi với làm". Thời gian làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an, Trưởng ban Tư pháp, rồi Phó Chủ tịch HĐND xã, đồng chí Chung đã phối hợp các cơ quan...
|
Mười hai năm trong quân ngũ, hơn 20 năm công tác ở xã với nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ năm 2010, đồng chí Hoàng Văn Chung (trong ảnh) được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chu. Hơn 30 năm ấy với những khó khăn, gian khổ, thách thức đã đào luyện nên ý chí phấn đấu và bản lĩnh của người lãnh đạo hôm nay ở đồng chí Chung. Đồng chí luôn tâm niệm: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải có tác phong sâu sát, gần dân; gắn với thực tiễn, nói phải đi đôi với làm”. Thời gian làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an, Trưởng ban Tư pháp, rồi Phó Chủ tịch HĐND xã, đồng chí Chung đã phối hợp các cơ quan cấp trên, cùng các bộ phận chức năng của xã và trực tiếp vào cuộc giải quyết nhiều vụ việc khó khăn phức tạp, như: xóa tệ nạn nghiện hút thuốc phiện, ngăn chặn việc phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép ở thôn Vằng Kheo, xóa bỏ truyền và theo đạo trái pháp luật ở thôn Đồng Luông… Việc chống nghiện thuốc phiện đối với đồng chí Chung là một cuộc chiến không khoan nhượng, nhưng rất khoan dung nhân ái, đồng chí đã dành mười ngày đêm ở lại Trụ sở xã, cùng ăn ở để giúp cai nghiện cho anh Phạm Đức Tịu, người từng nghiện 13 năm cai nghiện thành công và trở thành người tốt. Sau đó, anh Tịu được kết nạp Đảng, được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi bộ, Phó trưởng thôn, Kiểm lâm viên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và hiện giờ là Phó trưởng Công an xã.
Đồng chí Chung luôn xác định đó chỉ là những sự vụ nhất thời. Mục tiêu chính trong công tác lãnh đạo của Đảng ủy và người Bí thư phải là xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong xã. Vì thế, việc bám đồng ruộng, nương rẫy để chỉ đạo sản xuất phải trở thành nhiệm vụ hằng ngày của Bí thư và cán bộ xã. Phải xoay chuyển từ tâm lý thụ động, trông chờ giúp đỡ sang chủ động sản xuất một cách năng động, hiệu quả. Vận động bà con tích cực học tập, áp dụng kỹ thuật mới, đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp địa phương vào sản xuất. Với trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban chỉ đạo sản xuất, đồng chí Chung bám sát đồng ruộng hằng ngày, coi đồng ruộng và nương rẫy là trụ sở thứ hai của mình, không kể thứ bảy, chủ nhật. Xem mương, hồ, đập, chỗ nào hỏng thì đánh dấu lại, rồi yêu cầu người có trách nhiệm đến sửa ngay. Đồng chí ra đồng xem bà con làm đất, gieo sạ, cấy, làm cỏ. Thấy chỗ nào chăm sóc kém, chỗ nào bị sâu bệnh thì yêu cầu xử lý. Kiểm tra việc phát dọn đất trồng cây, việc cuốc luống trồng chè không đúng kỹ thuật thì yêu cầu khắc phục. Biết đồng chí Chung là người sâu sát, cụ thể, am hiểu công việc sản xuất, nên ai làm sai cũng nghiêm túc sửa lại cho đúng. Cuối năm 2010, lúa đang trỗ thì gặp hạn nặng, nước ở các khe, suối cạn kiệt, đồng chí Chung đã cho đóng mảng thả xuống hang đá để bơm nước lên. Dù đây là “hang thuồng luồng” theo truyền thuyết, ai cũng sợ, nhưng đồng chí vẫn kiên quyết chỉ đạo bơm nước lên đồng chống hạn thành công, được mọi người thán phục. Trâu, bò ít dần, thiếu phân bón, đồng chí đã chỉ đạo làm phân vi sinh trong cả xã, nay đã thành phong trào.
Từ lâu, nhân dân Quảng Chu thường cấy các giống lúa lai. Giống lúa này đòi hỏi đầu tư lớn, giá giống cao hơn gấp sáu, bảy lần giống lúa thuần, nhưng lại thường nhiễm sâu, bệnh nên rủi ro cao. Bí thư Chung cho rằng, địa phương đã dư thừa lương thực, nhưng lại ăn toàn gạo lúa lai vừa cứng, vừa nhạt, mang bán thì giá không cao. Để cải thiện đời sống nhân dân, phải chuyển đổi từ cấy lúa lai sang giống lúa thuần chủng. Giống lúa thuần chủng chống chịu được sâu, bệnh, phù hợp đồng đất hay bị hạn của xã, ít sâu, bệnh, không phải đầu tư phân bón lớn mà vẫn cho năng suất khá, cơm lại thơm, dẻo, giàu dinh dưỡng. Ban đầu, Bí thư Chung chỉ đạo làm thử nghiệm ở một thôn, bản thân gia đình mình làm trước. Vụ đầu tiên thử nghiệm cấy lúa thuần chủng bội thu, năng suất đạt 64 tạ/ha, đồng chí yêu cầu các Bí thư chi bộ, trưởng các thôn đưa nông dân đến tham quan, học tập; chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xã mở các lớp tập huấn cho bà con nên chỉ sau hai năm thí điểm, đến nay giống lúa thuần chủng được cấy đại trà trên đồng đất của xã, tiết kiệm cho nông dân mỗi năm hàng tỷ đồng tiền mua giống, thuốc bảo vệ thực vật. Từ việc Quảng Chu thâm canh lúa thuần chủng thành công, đến nay mô hình này đang được tỉnh chỉ đạo nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Noi gương tác phong sâu sát, tỉ mỉ, không chùn bước trước những khó khăn của người đứng đầu xã, đội ngũ cán bộ ở Quảng Chu đã sửa đổi lối làm việc, uống rượu buổi trưa giảm hẳn; khắc phục “bệnh” hành chính hóa bằng cách mỗi cán bộ theo chức trách được giao, một tuần phải xuống cơ sở một lần, không chỉ xuống cho xong mà sau đó phải báo cáo, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền giải quyết một vấn đề cụ thể. Với cách đó, hầu hết các vấn đề bất cập ở thôn, xóm, việc của dân đều được giải quyết nhanh gọn, cán bộ, đảng viên gần gũi, gắn bó với nhân dân. Xây dựng nông thôn mới là vấn đề chưa có tiền lệ, nhưng với sự tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục của đội ngũ cán bộ xã, nhân dân Quảng Chu hiểu rõ bản chất của xây dựng nông thôn mới nên chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã hiến hơn hai nghìn m2 đất, đóng góp tiền mặt gần 200 triệu đồng và góp hàng nghìn ngày công để đổ bê-tông một số tuyến đường chính của xã.
Trao đổi ý kiến về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, thực hiện Nghị quyết T.Ư4 về xây dựng Đảng, đồng chí Chung tâm sự: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh; bản thân phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu ở địa phương để đội ngũ cán bộ, đảng viên noi theo. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Đến nay các mặt kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân Quảng Chu đã thay đổi rõ rệt. Từ bình quân lương thực hơn 200 kg trước đây, năm 2012 bình quân lương thực đạt 812 kg/người. Bên cạnh đó, nhân dân còn có thu nhập từ rừng, chè, chăn nuôi, mỗi năm đạt hơn 10 triệu đồng/người, nên đời sống được cải thiện rõ rệt, làng quê khởi sắc.
Về Quảng Chu hôm nay, không chỉ thấy làng trên xóm dưới tươi vui, khí thế đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn bó với nhân dân. Kết quả này có sự đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Chung.
Theo Nhandan
Ý kiến ()