Bi kịch gia đình
Thằng con ngỗ ngược
Gia đình ông Trần Văn An, sinh năm 1946 ở thôn Nà Noọng, xã Đề Thám, huyện Tràng Định có 7 người con. Con út Trần Văn N, sinh năm 1988 cũng là con trai duy nhất nên được nuông chiều. Từ nhỏ, N đã có biểu hiện hỗn láo, chưa học hết THPT thì bỏ học. Bắt đầu từ năm 2005, N thường xuyên uống rượu rồi về nhà chửi bới, đánh đập bố mẹ. Câu mà N thường gọi các đấng sinh thành ra mình là “con đ. già và thằng chó già”. Mỗi lần xin tiền bố mẹ đi chơi, mua sắm không được là N lại lao vào đánh đập bố, mẹ, phá hoại đồ đạc trong nhà. Có lần trưởng thôn đến hòa giải, nhưng sau đó, chứng nào tật ấy, N vẫn uống rượu triền miên và xả những trận đòn vào thân thể cha, mẹ.
Đối với hàng xóm, N cũng hay chửi bậy và gây gổ, sẵn sàng đánh hàng xóm nên mọi người ai cũng sợ. Đã có lần N đánh ông Nguyễn Văn Phương gây thương tích khiến bố mẹ phải sang xin lỗi, bồi thường. Chính vì vậy, hàng xóm xa lánh, không ai dám tiếp xúc với N.
Chị Trần Thị T – chị gái N cho biết: chị và các chị gái N đều đã lấy chồng. Khi thấy đứa em có biểu hiện ngỗ ngược thì rất thương cha, mẹ. Các chị đã khuyên bảo nhưng đều bị N chửi và lao vào đánh đập. Vì vậy, các chị rất ngại về thăm bố, mẹ mặc dù rất muốn.
Ai cũng xa lánh, không dám đến gần N, vậy là chỉ còn bố, mẹ N thường xuyên phải chịu những trận đánh đập liên tiếp của thằng con ngỗ ngược. Từ năm 2005 đến năm 2013, cứ 3-5 ngày, vợ chồng ông An lại phải chịu một trận đánh. Nhiều lần N còn lấy cây sắt đánh vào chân mẹ, du ngã, đạp, đánh đấm liên tiếp vào người bố, mẹ khiến cho sức khỏe người mẹ rất yếu.
Để tránh những trận đòn, ông bà An phải ra bếp ngủ hoặc thường xuyên trốn ra sau vườn. Nhưng N vẫn ra tận bếp chửi, đánh bố, mẹ.
Hội đồng xét xử tuyên án
Giọt nước tràn ly
Hành vi thường xuyên chửi, đánh đập cha mẹ triền miên hơn 8 năm của N đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt và gây căng thẳng tinh thần đối với cha mẹ N, nhất là ông An và bi kịch đau lòng đã xảy ra. Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 23/10/2013, sau khi uống rượu về, N có hành động dọa giết bố, mẹ và chửi bới thậm tệ, hỗn láo buộc 2 vợ chồng ông An đang ngủ trong bếp vội vàng bật dậy chạy ra ngoài vườn để lánh nạn. Nhưng N đã túm cổ mẹ du đẩy, dúi đầu xuống đất. Thấy vậy, ông An liền can và bảo “mày không được làm thế với mẹ”. Không những không nghe lời bố mà N còn đá thật mạnh vào ngực ông khiến ông đau đớn. Sau đó, N lên giường nằm và tiếp tục chửi bố, mẹ. Sự việc ngày hôm đó như một giọt nước làm tràn ly, ông An đã bị kích động tinh thần rất mạnh, mất bình tĩnh, không làm chủ được bản thân nên đã dùng cây đánh chết thằng con ngỗ ngược khi N đang nằm trên giường.
Nỗi đau còn đó
Bi kịch xảy ra khiến cho trong một gia đình, người thì mất mạng, người phải vào tù, người thương tật. Nhưng giá như ngay từ khi sinh con ra, ông bà An quan tâm hơn đến việc giáo dục, hình thành nhân cách của con trẻ. Giá như sau khi nhận thấy trên địa bàn có người biểu hiện bất bình thường, cấp ủy, chính quyền xã, các ban, ngành, đoàn thể có mặt kịp thời, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, thậm chí áp dụng những biện pháp răn đe hoặc mạnh hơn khi cần thiết thì có lẽ bi kịch gia đình ông An đã không xảy ra.
Thời gian phải chịu hình phạt tù vì tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đối với ông An rồi sẽ qua đi, nhưng còn bi kịch của gia đình có lẽ sẽ theo ông đến hết cuộc đời. Lời nói sau cùng của ông trước khi hội đồng xét xử vào nghị án là: “tôi có tội xin được nhận tội, chỉ mong sớm chấp hành xong hình phạt để về chăm sóc người vợ do bị đứa con đánh đập nên sức khỏe suy kiệt”. Ngày ông ra hầu tòa, dù rất muốn nhưng vợ ông cũng không thể đến được. Câu chuyện buồn của gia đình ông An là bài học sâu sắc trong việc quan tâm, giáo dục con cái đối với các bậc làm cha, mẹ. Đồng thời, cần sự quan tâm hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền xã, huyện trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Đừng quá thờ ơ trước những khó khăn, hoạn nạn của người dân.
(Tên các nhân vật đã được thay đổi)
Ý kiến ()