Bỉ khởi động dự án hạt nhân "độc nhất vô nhị" với tốc độ siêu nhanh
Đây là lò phản ứng sử dụng máy gia tốc hạt, hứa hẹn mang lại nguồn năng lượng mạnh mẽ, an toàn và quan trọng nhất là giảm 100 lần lượng chất thải hạt nhân.
Phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân MYRRHA đã chính thức khởi động tại thị trấn Mol, tỉnh Antwerp, Bỉ.
Đây là lò phản ứng sử dụng máy gia tốc hạt, hứa hẹn mang lại nguồn năng lượng mạnh mẽ, an toàn và quan trọng nhất là giảm 100 lần lượng chất thải hạt nhân.
Lò phản ứng này cũng mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống ung thư. Chính phủ liên bang Bỉ đã bật đèn xanh cho dự án "độc nhất vô nhị" này vào năm 2018.
MYRRHA - viết tắt của cụm từ Lò phản ứng nghiên cứu hỗn hợp đa năng cho các ứng dụng công nghệ cao - đã được khởi công hôm 9/7, giữa khu rừng Mol.
Khi hoàn thành, máy gia tốc hạt sẽ có chiều dài 300 mét. Bên trong, các proton sẽ được đẩy lên tốc độ cao, đạt công suất 2,4 megawatt.
Một lượng năng lượng khổng lồ được tạo ra trong thời gian ngắn: lượng điện năng mà một gia đình tiêu thụ trong cả năm sẽ được sản xuất chỉ trong 1 giây.
Điểm đặc biệt khác của lò phản ứng này là khả năng dừng hoạt động trong tích tắc.
Giám đốc dự án MYRRHA, Hamid Aït Abderrahim cho biết máy gia tốc là bộ phận điều khiển lò phản ứng. Nếu máy gia tốc ngừng hoạt động, lò phản ứng sẽ tự động ngừng chỉ trong 1 micro giây. Nhờ vậy, hệ thống trở nên an toàn hơn.
Nhưng đó không phải là tất cả: lò phản ứng này còn mang tính đột phá bởi khả năng giảm thiểu đáng kể khối lượng và tuổi thọ của chất thải hạt nhân. Theo Giám đốc dự án, độ độc hại của chất thải hạt nhân được giảm từ 300.000 năm xuống còn 300 năm.
Giai đoạn đầu của MYRRHA dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Về lâu dài, ông Hamid Aït Abderrahim hy vọng biến MYRRHA thành trung tâm nghiên cứu tiên phong trong cuộc chiến chống ung thư.
Ông Hamid Aït Abderrahim cho biết để điều trị ung thư bằng xạ trị, cần có các đồng vị phóng xạ mới…
Đặc biệt là số lượng bệnh nhân ngày càng trẻ, đây là động lực to lớn thúc đẩy các nhà nghiên cứu nỗ lực hơn nữa.
Dự án được chính phủ tài trợ một phần và cũng nhận được sự hỗ trợ từ châu Âu. Bộ trưởng Năng lượng liên bang, Tinne Van der Straeten nhấn mạnh: "Với dự án này, đất nước chúng tôi tiếp tục đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, tập trung vào các ứng dụng y tế."
Dự án MYRRHA là minh chứng cho sự nỗ lực của Bỉ trong việc phát triển năng lượng hạt nhân bền vững và an toàn, đồng thời góp phần vào cuộc chiến chống ung thư. Việc hoàn thành dự án này vào năm 2027 sẽ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử khoa học và công nghệ của Bỉ.
Nhìn chung, MYRRHA là một dự án đầy tiềm năng với nhiều lợi ích cho con người. Việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ này sẽ góp phần giải quyết các thách thức về năng lượng và y tế trong tương lai./.
Ý kiến ()