BHYT- Cứu cánh cho người bệnh
LSO-Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ nguy cơ bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính vì vậy, BHYT ở một chừng mực nào đó có thể xem là cứu cánh của nhiều người bệnh.
Điều trị bệnh nhân tại Khoa Nội 3 bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn |
Theo số liệu thống kê của Khoa Nội 3, thận nhân tạo tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, thì trung bình 1 tháng có khoảng 73 bệnh nhân thường xuyên phải chạy thận. Nếu không tính chi phí BHYT thì mỗi bệnh nhân này phải tiêu tốn từ 9 – 12 triệu/tháng. Với số tiền này, so với thu nhập trung bình của toàn tỉnh là 25,2 triệu đồng/người/năm (tương đương 2,1 triệu đồng/tháng) thì con số này rất lớn, chưa kể đến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hơn thế nữa, bệnh nhân ở khoa này đều là những bệnh nhân bị bệnh mạn tính, cần sử dụng phương pháp chạy thận nhân tạo và các loại thuốc đắt tiền trong một thời gian dài. Chính vì vậy, chiếc thẻ BHYT đối với những bệnh nhân này như một cứu cánh giúp họ yên tâm điều trị bệnh.
Tại Khoa Nội 3, thận nhân tạo tiết niệu, trao đổi với bệnh nhân Nông Văn Mằng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, chúng tôi được biết, năm nay ông Mằng 57 tuổi nhưng đã có 5 năm phải sống chung với căn bệnh suy thận mạn tính. Thời gian đầu khi mắc bệnh năm 2009, ông Mằng không tham gia BHYT, vì vậy khi phải điều trị bệnh, trung bình mỗi tháng gia đình phải bỏ ra chi phí 10 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình 7 nhân khẩu, lại trông chờ chủ yếu vào thu nhập từ 7 sào ruộng năm được năm mất nên số tài sản, vốn liếng tích góp được của gia đình ông Mằng cũng dần dần ra đi theo những lần điều trị ở bệnh viện. Đến tháng 6/2010, gia đình ông Mằng được xét vào diện hộ nghèo, ông được cấp thẻ BHYT theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ khi có thẻ BHYT, mỗi tháng 12 lần chạy thận, ông Mằng chỉ phải trả 450.000 đồng, tương đương với 5% chi phí chữa bệnh. “Mặc dù số tiền này so với hộ nghèo như chúng tôi là lớn, nhưng anh em, họ hàng cũng quyên góp đỡ được phần nào. So với việc không có thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh hiểm nghèo thì chắc tôi chỉ còn cách bỏ viện về vì không có tiền để điều trị tiếp” – ông Mằng chia sẻ.
Không giống trường hợp của ông Mằng, bà Nguyễn Thị Loan, 56 tuổi ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn bị suy thận mạn tính và phải chạy thận nhân tạo gần 3 năm trở lại đây. Mặc dù không thuộc diện hộ nghèo nhưng bà Loan lại là lao động chính trong gia đình. Cả 2 vợ chồng bà chỉ buôn bán nhỏ nên ngay từ đầu bà Loan đã xác định mua BHYT tự nguyện để đề phòng lúc lâm bệnh. Nhờ có chiếc thẻ BHYT tự nguyện này mà khi vào điều trị bệnh hiểm nghèo, bà Loan được Nhà nước hỗ trợ 80% chi phí điều trị, gia đình bà chỉ phải trả 20% chi phí, tương đương với 1,8 triệu đồng/1 đợt điều trị. Bà Loan cho biết: “Nhờ có thẻ BHYT tự nguyện nên việc điều trị của bản thân tôi không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình. Hằng ngày, tôi vẫn duy trì làm hàng quán để đảm bảo cuộc sống cho gia đình và để dành một khoản tiền nhỏ cho việc điều trị bệnh”.
Theo số liệu thống kê của Phòng Giám định Y tế, BHXH tỉnh Lạng Sơn thì trung bình mỗi năm, phía bảo hiểm chi trả trên 450 triệu đồng đối với những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo với mức phí cao (từ 80% trở lên/1 trường hợp). Đây không chỉ là sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà chính là điều kiện thuận lợi để đội ngũ y, bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Đồng thời hỗ trợ phần lớn chi phí đối với bệnh nhân trong mỗi lần điều trị, gánh bớt gánh nặng tài chính cho gia đình họ. Ông Nông Văn Hoan, Trưởng phòng Giám định Y tế, BHXH tỉnh cho biết: với mức chi phí bảo hiểm lớn như vậy thì phía BHXH khuyến khích người bệnh tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi khi khám và điều trị bệnh, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo cần điều trị với các kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại.
Thực tế trên cho thấy, không thể phủ nhận BHYT là cứu cánh đối với người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng việc quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội…và 20% đối với thân nhân, người có công, người thuộc hộ cận nghèo đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, mạn tính không có khả năng chi trả. Hiện tỉnh ta đang là một trong những tỉnh có số lượng người tham gia BHYT lớn (gần 90%), tuy nhiên số hộ cận nghèo tham gia loại hình này chỉ khoảng 2%. Vì vậy, trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vẫn rất cần có những điều chỉnh phù hợp để chính sách BHYT phát huy hết tính nhân văn và ngày càng đi vào thực tế đời sống; đồng thời cần người dân nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia BHYT đề phòng rủi ro và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Hiện nay, ngoài việc hỗ trợ chi phí điều trị đối với người nghèo, người cận nghèo và đối tượng người có công, bảo trợ xã hội…thì người nội trợ, buôn bán, lao động tự do…đều có thể tham gia BHYT. Trường hợp cả hộ gia đình cùng tham gia thì người thứ 2 sẽ chỉ phải đóng 90% mức đóng của người thứ nhất, người thứ 3 đóng mức 80%, người thứ 4 đóng mức 70%, người thứ 5 trở đi chỉ phải đóng mức 60% của người thứ nhất. Ngoài ra, đối với những trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến cũng sẽ được BHYT thanh toán 70% chi phí nếu khám chữa bệnh tại tuyến huyện, 50% tại tuyến tỉnh, 40% tại tuyến trung ương. |
THANH HÒA
Ý kiến ()