BHXH Việt Nam: Hội nghị trực tuyến 3 cấp về thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra
– Sáng nay (24/9), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp về công tác thanh tra, kiểm tra (TTKT) nhằm đánh giá việc thực hiện công tác này trong thời gian qua. Dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Lê Hùng Sơn, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Vụ TTKT, các vụ liên quan.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh có lãnh đạo BHXH tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Phòng TTKT; các phòng nghiệp vụ liên quan và kết nối đến điểm cầu BHXH các huyện.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu BHXH tỉnh Lạng Sơn
Trong 8 tháng qua, lực lượng TTKT của toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan; các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và phòng nghiệp vụ của BHXH các tỉnh, thành phố.
Toàn ngành đã thực hiện TTKT theo kế hoạch tại 5.423 đơn vị, đạt 32,01% kế hoạch, trong đó: thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng là 2.036 đơn vị, đạt 35,7% kế hoạch; kiểm tra 2.818 đơn vị; TTKT liên ngành 569 đơn vị, đạt 17,4% kế hoạch.
Ngoài việc thực hiện TTKT theo kế hoạch, trong 8 tháng đầu năm toàn ngành đã tổ chức thực hiện 1.165 cuộc TTKT đột xuất tại 1.596 đơn vị, trong đó: TTCN đóng là 1.214 đơn vị; kiểm tra 321 đơn vị; TTKT liên ngành 61 đơn vị.
Ngay trong thời gian thực hiện TTKT, tỷ lệ thu hồi nợ đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) toàn ngành đạt 44,5% số tiền nợ, cho thấy hiệu quả tích cực khi cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Ngoài ra, toàn ngành còn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TTKT, qua đó nhằm chuyển đổi phương thức TTKT cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, hạn chế thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị, nhưng nâng cao hiệu quả công tác TTKT.
Tại Lạng Sơn, trong 8 tháng đầu năm 2021, BHXH tỉnh đã tổ chức TTKT 72/134 đơn vị, đạt 53,73% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; TTKT ngoài kế hoạch 43 đơn vị. Qua TTKT cho thấy: cơ bản các đơn vị đã thực hiện tương đối nghiêm túc chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: chưa đóng đủ chế độ cho người lao động; đóng thiếu, đóng không đúng mức lương thực tế; việc lưu hồ sơ tại đơn vị sử dụng lao động còn một số đơn vị lưu chưa đảm bảo quy định (lưu thiếu hoặc bản phô tô); tại một số đại lý thu còn tình trạng cấp chậm sổ BHXH, thẻ BHYT…
Tại hội nghị, lãnh đạo các vụ, ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam đã thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao và hướng dẫn thực hiện; báo cáo tình hình các đơn vị nợ đọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT cần thực hiện TTKT trọng tâm, trọng điểm những tháng cuối năm 2021.
Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố đã nêu ý kiến làm rõ những kết quả đạt được trong công tác TTKT; những khó khăn, vướng mắc tại các địa phương và đề xuất giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm.
Kết luận hội nghị, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị: BHXH các địa phương chuyển đổi phương thức TTKT cho phù hợp nhằm đảm bảo nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện kế hoạch TTKT theo nguyên tắc không TTKT ngoài kế hoạch; hạn chế thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị.
Vụ TTKT phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu nâng cấp, hoàn thiện giai đoạn 2 của Phần mềm Quản lý hoạt động TTKT 1.0 để có thể xử lý, phân tích cơ sở dữ liệu các phần mềm nghiệp vụ của ngành để từ đó khoanh vùng, cảnh báo, rút ngắn được thời gian TTKT trực tiếp và đem lại hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch TTKT năm 2022 phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, TTKT trên cơ sở dữ liệu, hồ sơ, tài liệu quản lý để cảnh báo, nhắc nhở kết hợp TTKT trực tiếp đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
BHXH các tỉnh, thành phố quan tâm, bảo đảm trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để cán bộ làm công tác TTKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ý kiến ()