Vậy giải pháp nào để BHXH tự nguyện có thể “hút” được nhân dân? Đối với ngành BHXH, bà Nụ chia sẻ: hiện nay, ngành chúng tôi đã chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện. Tăng cường quản lý thu và khai thác các đối tượng mới tham gia BHXH tự nguyện, hiện nay tập trung vào khai thác các đối tượng cán bộ cơ sở xã có phụ cấp; các đối tượng đã nghỉ việc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH; các đối tượng kinh doanh buôn bán có thu nhập ổn định… Cùng với những giải pháp chung của ngành, chúng tôi thiết nghĩ rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế để nhiều đối tượng ở mọi điều kiện, hoàn cảnh có thể tham gia. Bởi chỉ có thể tháo gỡ những khó khăn ấy, lắng nghe những tâm tư, giải toả những băn khoăn của nhân dân, đáp ứng được mong muốn của nhân dân, người lao động thì mới thu hút được họ tham gia. Mặt khác, ngành chức năng nên tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Luật BHXH, các chế độ, chính sách, giúp mọi người thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.
LSO-Chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2008. Đến nay đã hơn 4 năm triển khai thực hiện, kết quả thực hiện BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Theo tổng hợp của BHXH tỉnh, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn mới có 615 người tham gia. Trong đó chỉ có 4 huyện, thành phố triển khai tương đối hiệu quả là thành phố Lạng Sơn (140 người), Hữu Lũng (109 người), Bắc Sơn (75 người), Đình Lập (63 người). Các huyện còn lại đều khai thác đối tượng người dân tham gia BHXH tự nguyện chưa đến 50 người.
Lãnh đạo BHXH Cao Lộc xem xét hồ sơ giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH
Hiện nay, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu vẫn là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, hiện nay phần lớn nhân dân và người lao động có biết BHXH tự nguyện nhưng vẫn còn chưa mặn mà với loại hình này. Mặc dù đã nhiều lần được tuyên truyền nhưng anh Nguyễn Văn Hùng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn vẫn chưa tham gia BHXH tự nguyện vì theo anh với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng từ việc lái xe thuê thì mỗi tháng anh đóng bình quân 22% tương đương 660.000 đồng, tổng số tiền mỗi năm đóng là 7.920.000 và sau 20 năm anh sẽ phải đóng 158,4 triệu đồng. Đến khi đó, anh sẽ được hưởng lương hưu, mỗi tháng bằng 45% thu nhập hàng tháng đã đóng, tức khoảng 1.350.000 đồng. “Sau 20 năm theo đuổi, với số tiền không nhỏ mà đồng lương hưu chỉ có 1,3 triệu đồng. Số tiền ấy vào thời điểm hiện tại đã là quá nhỏ, 20 năm nữa với tình hình trượt giá thế này thì chắc hẳn nó sẽ còn nhỏ hơn” – Anh Hùng chia sẻ.
Anh Hùng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng có thu nhập thấp và không ổn định nên việc tham gia BHXH tự nguyện bằng cách chắt bóp thu nhập vốn ít ỏi hàng tháng của mình là rất khó khăn. Hiện nay, đa phần người lao động trên địa bàn tỉnh có thu nhập thấp thì việc chi tiêu hàng ngày đã là một bài toán khó, việc trích 22% từ thu nhập ít ỏi ấy ra đóng BHXH tự nguyện thì quả là không dễ dàng. Trong khi đó thì quyền lợi dành cho người tham gia BHXH tự nguyện so với BHXH bắt buộc còn hạn chế. Chị Nguyễn Thị Hà, phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn) tâm sự: tôi cũng đã tìm hiểu về BHXH tự nguyện nhưng thấy quyền lợi rất ít. Ví dụ như người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng tới 5 chế độ (thai sản, ốm đau, tử tuất, hưu trí, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) và được người sử dụng lao động hỗ trợ phí đóng, trong khi đó, người tham gia BHXH tự nguyện phải lo đóng phí hoàn toàn mà chỉ được hưởng 2 chế độ là (hưu trí và tử tuất). Thêm nữa, nếu tham gia bảo hiểm tự nguyện thì chỉ được hưởng chế độ hưu mới được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Chính sách như vậy, hỏi rằng 20 năm trước mắt, lỡ ốm đau, bệnh tật, tôi biết nhờ cậy vào đâu?
Nói về việc triển khai BHXH tự nguyện, bà Vi Thị Nụ, Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp. Đó là người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài. Tham gia BHXH tự nguyện là người dân tự lo cho mình, khi về già, sức khoẻ đã kém, họ sẽ có lương hưu và được tham gia bảo hiểm y tế. Song, cái chính là hiện nay do thu nhập thấp và bấp bênh nên nhiều người không đủ sức theo. Bên cạnh đó, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Công tác tuyên truyền về loại hình BHXH này chưa sâu rộng, thiếu hình thức phù hợp nhằm tác động trực tiếp đến đối tượng đặc biệt là khu vực nông thôn, cơ sở dịch vụ…
Vậy giải pháp nào để BHXH tự nguyện có thể “hút” được nhân dân? Đối với ngành BHXH, bà Nụ chia sẻ: hiện nay, ngành chúng tôi đã chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện. Tăng cường quản lý thu và khai thác các đối tượng mới tham gia BHXH tự nguyện, hiện nay tập trung vào khai thác các đối tượng cán bộ cơ sở xã có phụ cấp; các đối tượng đã nghỉ việc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH; các đối tượng kinh doanh buôn bán có thu nhập ổn định… Cùng với những giải pháp chung của ngành, chúng tôi thiết nghĩ rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế để nhiều đối tượng ở mọi điều kiện, hoàn cảnh có thể tham gia. Bởi chỉ có thể tháo gỡ những khó khăn ấy, lắng nghe những tâm tư, giải toả những băn khoăn của nhân dân, đáp ứng được mong muốn của nhân dân, người lao động thì mới thu hút được họ tham gia. Mặt khác, ngành chức năng nên tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Luật BHXH, các chế độ, chính sách, giúp mọi người thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.
Thanh Huyền
Ý kiến ()