BHXH tự nguyện: Để mọi người dân đều có “lương hưu”
(LSO) – Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo đó hướng đến mục tiêu mọi người dân đều có “lương hưu” khi về già.
Chị Nguyễn Thị An (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) làm nghề buôn bán nhỏ, thu nhập trung bình ổn định khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Hơn 40 tuổi nhưng chị chưa tham gia loại hình bảo hiểm nào. Khi được nhân viên đại lý thu của Bưu điện gặp gỡ và tư vấn tuyên truyền nhiều lần, chị An đã hiểu về tính ưu việt của chính sách và những quyền lợi mình được hưởng nếu tham gia BHXH tự nguyện. Chị cho biết: Nhờ được nhân viên đại lý bưu điện phân tích cụ thể phương thức đóng, quyền lợi được hưởng theo từng mức, tôi thấy rất ý nghĩa, vì vậy tôi đã đăng ký tham gia đóng 12 tháng/lần với tổng số tiền trên 2 triệu đồng/năm.
Cán bộ Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân tại hội nghị đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số
Mặc dù thu nhập từ nghề gội đầu không cao nhưng chị Trần Thị Thuỷ (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) cũng tham gia BHXH tự nguyện mức thấp nhất 154.000 đồng/tháng và đóng 3 tháng/lần. Chị Thuỷ cho rằng: Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, tôi cố mua BHXH tự nguyện để mai sau có khoản “lương hưu”, cũng coi như tiết kiệm, tích luỹ hằng ngày để sau không là gánh nặng cho con mình. Tôi cũng vận động hai người em trai ở nhà làm nông nghiệp tham gia cùng mức, sau này có thu nhập ổn định hơn thì nâng mức đóng lên.
Trên đây chỉ là một số trường hợp người dân đã được tư vấn, tuyên truyền và có nhận thức đúng về BHXH tự nguyện và tham gia đóng BHXH tự nguyện. Từ khi chính sách BHXH tự nguyện được mở rộng, mọi người dân đều có thể tham gia để có lương hưu trang trải cuộc sống đã khiến cho niềm mơ ước không đi làm Nhà nước mà vẫn có lương hưu của rất nhiều người dân trở thành hiện thực.
Ông Đào Trọng Hiếu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết: Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. So với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì người dân nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Để chính sách BHXH tự nguyện đến được với người dân, thời gian qua, cán bộ BHXH từ tỉnh đến các huyện, các đại lý thu đã tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT để người dân hiểu, từ đó, tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để có điểm tựa về tài chính khi tuổi già. Cùng với đó, các cán bộ BHXH, đại lý thu đẩy mạnh hình thức thăm hộ gia đình, kết hợp với tư vấn, giải thích, vận động để người dân hiểu, tham gia và tiến hành cấp sổ BHXH ngay tại chỗ khi người dân tham gia, đảm bảo nhanh, gọn. Đồng thời, ngành BHXH, các đại lý thu còn tổ chức tặng quà cho bà con nông dân nào đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại các hội nghị, do đó, đã thu hút, khuyến khích nhiều người tích cực tham gia.
Mặc dù rất tích cực trong tư vấn, tuyên truyền nhưng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh không về đích như mọi năm. Theo số liệu của BHXH tỉnh, dự ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 12.800 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 74,9% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Mặc dù không đạt được chỉ tiêu giao nhưng về cơ bản, cán bộ ngành BHXH cũng như các đại lý thu trên địa bàn đã đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân. Qua đó giúp họ hiểu rõ hơn chính sách, cách đóng, chế độ hưởng, nhất là việc họ được đảm bảo nguồn “lương hưu” khi về già.
Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015, cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). |
Ý kiến ()