Béo phì làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm
TS Trương Hồng Sơn chia sẻ thông tin về tình trạng béo phì gia tăng nhanh tại Việt Nam.
Béo phì làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm
Theo TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, trong 20 năm qua, vấn đề dinh dưỡng và lối sống ảnh hưởng đến các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, một trong những nguy cơ cao gây ra các bệnh không lây nhiễm là tình trạng thừa cân béo phì.
“Hầu hết các nước trên thế giới đều tuyên bố thành công giảm suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau hiện chưa có nước nào tuyên bố thành công trong viêm giảm tình trạng thừa cân, béo phì hiện. Tại Mỹ, cứ ba người thì có hai người béo phì. Đặc biệt, trong 20-30 năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh nhất ở nước có thu nhập trung bình chứ không chỉ ở những nước phát triển như trước kia”, BS Sơn cho biết.
Tại Việt Nam, trong 10-20 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng gấp ba lần. Trước kia, chủ yếu béo phì hay gặp ở nữ giời thì giờ tỷ lệ này cũng đang tăng ở nam giới và đặc biệt tăng nhanh ở lứa tuổi trẻ em.
Theo BS Sơn, một nghiên cứu mới nhất ở trường tư thục cho thấy, tỷ lệ học sinh béo phì lên tới 30%. Đây là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ bệnh mãn tính không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, phổi và hen tắc nghẽn mãn tính… trong 10-20 năm nữa, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ bây giờ.
“Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ tăng nhanh là do cha mẹ chúng ta đang tạo cho con thói quen xấu. Qua thăm khám cho các cháu, chúng tôi thấy tình trạng các bậc phụ huynh cho con em mình sử dụng thức ăn nhanh tăng nhanh, đặc biệt tại các thành phố lớn”, BS Sơn nói.
Vì thế, chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng thức ăn nhanh. Việc cho con em mình uống nhiều nước ngọt sẽ càng làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì. Bởi vì lạm dụng đồ ngọt sẽ gây ra cản trở hấp thu canxi cho trẻ em.
Ăn đơn giản làm gia tăng béo phì
Việc ăn tập trung vào một số loại thức ăn chủ yếu sẽ dễ dẫn tới tình trạng béo phì. TS Trương Hồng Sơn lý giải điều này rằng, nếu chúng ta ăn đa dạng, thì mỗi loại thức ăn sẽ cung cấp các vi chất, dinh dưỡng riêng. Và bên cạnh đó, nếu ăn đa dạng, con người sẽ ăn mỗi thức ăn một chút. Nhưng nếu chỉ ăn một loại thức ăn, sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn để cung cấp năng lượng.
“Các nghiên cứu cho thấy, nếu cứ ăn đơn giản một loại thức ăn như trẻ chỉ thích ăn thịt lợn kho, sẽ có mong muốn ăn với số lượng lớn hơn. Đó là lý do, vì sao mà ăn đơn giản chỉ là thịt lợn kho, trẻ vẫn có nguy cơ béo phì”, BS Sơn nói.
CŨng theo chuyên gia dinh dưỡng này, trong một thực phẩm, thông thường có 20 loại vi chất. Có những loại vi chất có ở thực phẩm này nhưng lại thiếu ở thực phẩm khác. Khi sử dụng thực phẩm không đa dạng, sẽ dẫn tới tình trạng thiếu một số vi chất khác mà những vi chất này đôi khi tham gia quá trình đốt cháy năng lượng, chuyển hóa. Thiếu vi chất làm chậm lại quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng làm trẻ béo hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()