"Bệnh viện" uy tín của các loại xe quân sự
Trước đây, do không có thiết bị kiểm thử hệ thống truyền lực trên xe ô tô nên quá trình “bắt bệnh, kê đơn, điều trị” cụm truyền lực, Xưởng sửa chữa ô tô 387 (Cục Kỹ thuật Quân khu 5) đều phải thực hiện thủ công, định tính nhiều hơn định lượng.
Tình trạng xe sau khi sửa chữa, thử nội bộ và kiểm tra ở trạng thái tĩnh không phát hiện hỏng hóc, sự cố bất thường nào, song khi đi thử đường dài, chạy hết công suất, hộp số lại bị rung giật, khó di chuyển cấp số…
Từ tháng 7-2021 đến nay, khi thiết bị kiểm thử hệ thống truyền lực trên dòng xe Uaz quân sự của Đại úy Ngô Đình Việt, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ (Xưởng sửa chữa ô tô 387) được đưa vào sử dụng, đã khắc phục triệt để tình trạng trên. Nhờ thiết bị này, cán bộ, nhân viên kỹ thuật có thể dễ dàng tìm ra các lỗi phát sinh sau bảo dưỡng, sửa chữa và nghiệm thu chất lượng sản phẩm các cụm cầu, hộp số, rút ngắn thời gian sửa chữa, giảm tiêu hao nhiên liệu sau mỗi lần chạy thử đường dài, nâng cao năng suất lao động, không độc hại với môi trường.
Nhân viên kỹ thuật Xưởng sửa chữa ô tô 387 sửa chữa xe quân sự. |
Trung tá Phan Văn Tiến, Giám đốc Xưởng sửa chữa ô tô 387 cho biết: “Mỗi năm, đơn vị tiếp nhận hàng trăm xe, với hàng chục chủng loại vào bảo dưỡng, sửa chữa, trong đó, có nhiều xe bị sự cố, hỏng hóc máy phát điện. Tuy nhiên, do chưa có thiết bị kiểm thử chuyên dụng, các máy phát điện sau khi sửa chữa, bảo dưỡng thường phải lắp lên xe mới có thể kiểm tra, đánh giá chính xác khả năng hoạt động, tình trạng kỹ thuật, nếu chưa đạt yêu cầu, sẽ phải tháo ra làm lại từ đầu, rất mất thời gian, công sức và tốn kém. Từ năm 2020 đến nay, nhờ có thiết bị kiểm thử máy phát điện trên xe ô tô do Trung úy QNCN Mai Văn Sĩ, nhân viên Phân xưởng sửa chữa ô tô nghiên cứu, chế tạo, việc bảo dưỡng, sửa chữa máy phát điện các dòng xe quân sự đã trở nên đơn giản, thuận tiện hơn trước rất nhiều”.
Mỗi chiếc xe xuất xưởng, ngoài dấu ấn của các kỹ sư, thợ máy, thợ điện, thợ gò hàn, gia công cơ khí, còn có sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ thợ may, những người trực tiếp làm đẹp cho xe. Việc cắt mút, bọc nệm, làm nội thất trên xe tưởng chừng đơn giản, song luôn đòi hỏi kỹ năng, sự cẩn thận, tỉ mỉ rất cao. Thông thường, các nhân viên tổ may phải trèo lên xe, đo kích thước cụ thể của từng chiếc ghế ngồi, cân nhắc kiểu dáng, tính toán độ dày mỏng, lựa chọn chất liệu mút nệm sao cho phù hợp, rồi tiến hành cắt gọt, gia công các chi tiết theo sơ đồ bản vẽ.
Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm, thiết bị cắt mút nệm làm ghế ô tô, gia công bằng lưỡi cưa vòng của Đại úy Võ Kim Hòa, Phó quản đốc Phân xưởng sửa chữa ô tô và Đại úy QNCN Nguyễn Thị Kim Phượng, thợ may của phân xưởng đã được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao. Không chỉ rút ngắn thời gian, công sức, sáng kiến còn cho ra đời nhiều sản phẩm có độ chính xác, tính thẩm mỹ cao.
Với tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo không ngừng, những năm qua, Xưởng sửa chữa ô tô 387 luôn là địa chỉ tin cậy-“bệnh viện” uy tín trong bảo dưỡng, sửa chữa các dòng xe quân sự.
Ý kiến ()