Bệnh viện Phổi Lạng Sơn: Nâng tầm chất lượng, tạo dựng niềm tin
- Những năm qua, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy kịch. Qua đó, tạo dựng được niềm tin, ấn tượng tốt đẹp đối với người bệnh...
Bệnh viện Phổi Lạng Sơn là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh với bệnh nhân chủ yếu là những người mắc nhiều bệnh phối hợp, những ca bệnh khó, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với những biểu hiện: tức ngực, khó thở, suy tim...
Điều trị thành công nhiều ca bệnh khó
Cuối tháng 7/2024, bà Triệu Thị Bền (45 tuổi, thường trú tại Trấn Ninh, Văn Quan) vào cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn với triệu chứng ho, khó thở kèm sốt cao. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi hai bên, tràn dịch màng ngoài tim chưa rõ nguyên nhân. Các bác sĩ Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu đã hội chẩn sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm, điều trị tích cực và tiến hành nuôi cấy bệnh phẩm để tìm nguyên nhân. Ngày 5/8, kết quả nuôi cấy bệnh phẩm cho thấy nguyên nhân do vi khuẩn Burkholderia Cepacia - một loại vi khuẩn hiếm. Nhờ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, điều trị kịp thời, đến nay, bệnh nhân đã hết dịch màng phổi, màng ngoài tim, sức khỏe ổn định.
Bà Bền chia sẻ: Đầu tháng 7 tôi đi khám tại 2 bệnh viện tuyến trung ương nhưng chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh. Nằm ở đó chục ngày mà bệnh không giảm, chi phí lại tốn kém nên tôi xin về Bệnh viện Phổi Lạng Sơn điều trị. Được các bác sĩ tại đây quan tâm, cứu chữa tận tình, đến nay sức khỏe tôi đã dần ổn định, không bị khó thở, không sốt, không ho nữa.
Được biết, cùng với bà Bền, những năm gần đây, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã cứu chữa thành công nhiều trường hợp bệnh nhân nặng như: Hoàng Văn K. (60 tuổi, thường trú tại xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng) bị tràn dịch màng ngoài tim; Chu Văn M. (62 tuổi, thường trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) bị ho ra máu…
Ứng dụng kỹ thuật mới
Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Với nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng; đồng thời phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để chuyển giao, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào điều trị.
Từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã cử trên 400 lượt cán bộ tham gia tập huấn chuyên môn do tuyến trung ương và tuyến tỉnh tổ chức; 2 bác sỹ theo chương trình đào tạo chuyên khoa I nội khoa, 1 nhóm bác sĩ và điều dưỡng được đào tạo liên tục tại Bệnh viện 74 Trung ương.
Ngoài ra, đơn vị còn đa dạng các hình thức đào tạo, chủ động đào tạo tại chỗ theo hình thức cầm tay chỉ việc về kỹ năng lâm sàng, kỹ thuật chuyên sâu về cấp cứu; hướng dẫn các kỹ năng thăm khám lâm sàng cho các bác sĩ, điều dưỡng... Nhờ đó, trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày càng được nâng cao. Đến nay, bệnh viện có 128 viên chức, người lao động trong đó có 28 bác sỹ và 32 dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... có trình độ từ đại học trở lên.
Cùng đó, đơn vị đã tích cực phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương để tiếp nhận và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Bình quân, mỗi năm bệnh viện đã triển khai được trên 5 dịch vụ kỹ thuật mới (Sở Y tế giao ít nhất 2 kỹ thuật/năm), riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã triển khai thực hiện được 3 kỹ thuật mới. Nhờ đó, đến nay, đơn vị đã thực hiện được trên 1.200 kỹ thuật trong phân tuyến điều trị, trong đó có những kỹ thuật mới, phức tạp như: sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính, sinh thiết màng phổi mù, nội soi phế quản, mở màng phổi dẫn lưu khí - dịch…
Đến nay, bệnh viện điều trị được tất cả các bệnh về phổi và bệnh lý ngoài phổi như: viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, áp xe phổi, nấm phổi, phổi nhiễm mỡ, suy tim, xuất huyết tiêu hóa…
Nhờ sự nỗ lực không ngừng đó, bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. Trong 8 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận gần 6.700 lượt bệnh nhân đến khám (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó điều trị nội trú gần 1.800 bệnh nhân và không có trường hợp bệnh nhân tử vong.
Ý kiến ()