Bệnh viện Phổi Lạng Sơn: Đáp ứng mô hình bệnh tật mới
LSO- Nếu trước đây, bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chủ yếu là bệnh lao, thì nay có đến 62% là bệnh phổi và chỉ còn 38% là bệnh lao và các bệnh liên quan…
Nâng cao năng lực điều trị
Từ năm 2016 trở về trước, chỉ những bệnh nhân mắc bệnh lao mới đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Lạng Sơn điều trị, còn những người mắc các bệnh về phổi và những bệnh có liên quan thì phải đi Hà Nội hoặc một số tỉnh bạn để điều trị. Ngày 12/7/2017, UBND tỉnh quyết định đổi tên thành Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, thì bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người mắc các bệnh về phổi như: viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, áp xe phổi và nguy cơ ung thư phổi… Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm bệnh nhân phổi phải đi điều trị vượt tuyến hoặc trái tuyến. Bệnh nhân tăng nhanh, bệnh viện luôn phải kê thêm từ 20 đến 30% giường bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, bệnh viện đã thực hiện 212/130 giường bệnh kế hoạch – mức tăng 63%. Trong khi thiếu tới 43 cán bộ, nhân viên so với kế hoạch được giao, bệnh viện đã có những giải pháp tốt đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị như: đẩy mạnh bồi dưỡng cán bộ theo Đề án 1816 và các chương trình; tăng cường tiếp nhận, ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị. Việc ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng máy GeneXpert tích hợp 3 công nghệ là tách gen, nhân gen và nhận biết gen đã cho phép xác định nhanh vi khuẩn trong 2 giờ, độ chính xác đến 99% đã thay thế phương pháp thủ công là soi trực tiếp hoặc xét nghiệm nuôi cấy tốn nhiều thời gian, độ chính xác thấp.
Máy chụp cắt lớp được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã nâng cao hiệu quả tiên lượng và điều trị bệnh
Tháng 4/2018, với sự giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh viện đã đưa vào sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính, hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong xét nghiệm, trả lời kết quả và thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… nên dù thiếu cán bộ, bệnh viện vẫn đáp ứng được nhiệm vụ tuyến cuối về điều trị bệnh lao và phổi của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, bệnh viện điều trị nội trú 1.051 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt 125,2%; ngày điều trị trung bình giảm 21,25%; tỷ lệ chuyển lên tuyến trên là 16,34%, giảm 3,66% so với cùng kỳ năm trước, không có bệnh nhân tử vong.
Tăng cường chỉ đạo tuyến
Chỉ đạo tuyến, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về lao và dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là giải pháp tốt nhất để “giảm tải” cho tuyến tỉnh. Với phương châm ấy, hoạt động phòng, chống lao tiếp tục được đẩy mạnh để củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực mạng lưới chống lao. Đến nay, tất cả 11 huyện, thành phố, 226 xã, phường đã cơ bản đáp ứng được các hoạt động khám, phát hiện, quản lý và điều trị lao tại cơ sở. Bệnh viện đã hoàn thành kế hoạch chuyển giao gói kỹ thuật theo Đề án 1816 cho các huyện: Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn. Nâng cao trình độ và sự tự tin của tuyến huyện, kiên quyết chuyển trả lại bệnh nhân khi xét thấy các trung tâm y tế có khả năng chữa trị khỏi hoặc chuyển xuống khi bệnh nhân đã điều trị ổn định. Vì vậy, tỷ lệ khỏi âm hóa đã đạt 83,8%.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Tổ chức mạng lưới chống lao một cách căn cơ để phát hiện sớm; nâng cao năng lực điều trị bệnh lao cho các bệnh viện cấp huyện để có thể điều trị khỏi bằng thuốc đặc hiệu, không phải chuyển lên tuyến trên. Được như vậy, tuyến tỉnh sẽ giảm được bệnh nhân, chỉ điều trị những ca nặng, tái phát, lao/HIV… và tập trung điều trị các bệnh về phổi. Thực tế hoạt động trong nửa cuối năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã chứng minh năng lực của bệnh viện trong việc đáp ứng mô hình bệnh tật mới trên địa bàn.
MINH HỒNG (TP Lạng Sơn)
Ý kiến ()