Bệnh viện Nhi TƯ cơ sở 2 dự kiến đi vào hoạt động quý I/2025
Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 dự kiến chính thức đưa vào hoạt động, bắt đầu đón bệnh nhân từ quý I/2025. Bệnh viện có quy mô 300 giường bệnh nội trú, khám ngoại trú khoảng 1000 – 2000 lượt bệnh nhân/ngày.
Dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 đặt tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bệnh viện có quy mô 300 giường bệnh nội trú, khám ngoại trú khoảng 1000 – 2000 lượt bệnh nhân/ngày.
Dự án được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ; đội ngũ cán bộ, y bác sĩ năng lực chuyên môn cao với các chuyên khoa sâu, góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong nội thành.
Cơ sở này cũng được kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa Nhi cho cả nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện đang chờ được cấp số vốn còn lại khoảng 400 tỷ đồng từ 882 tỷ đồng được đầu tư xây cơ sở 2 từ nguồn ngân sách nhà nước. Bệnh viện hy vọng, với sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan đến vốn, Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 sẽ chính thức đưa vào hoạt động, bắt đầu đón bệnh nhân từ quý I/2025.
Đến nay, sau hơn 1,5 năm tiến hành xây dựng, Bệnh viện đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình.
Về trang thiết bị y tế, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngoài phần vốn do ngân sách nhà nước cấp mua trang thiết bị y tế, Bệnh viện cũng đã chủ động có kế hoạch trích từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Bệnh viện để mua máy móc, thiết bị hiện đại, phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại cơ sở 2 .
Theo đó, Bệnh viện dự kiến đầu tư các trang thiết phục vụ khám, thăm dò chức năng, thiết bị can thiệp, máy siêu âm, Xquang, các thiết bị phòng mổ, các thiết bị xét nghiệm labo…
Bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, Bệnh viện cũng đã có kế hoạch về các giải pháp hành chính, quản trị, an ninh, trật tự, hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải…; phối hợp với các cơ quan chức năng của Hà Nội để tổ chức, phân luồng giao thông từ đường cao tốc Láng Hoà Lạc rẽ vào Bệnh viện cơ sở 2 và ngược lại, nhằm đảm bảo các phương tiện cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân cũng như hàng hoá, vật tư, hoá chất, oxy đưa được đến Bệnh viện một cách tốt nhất, cũng như việc phối hợp giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 của Bệnh viện.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã có kế hoạch và chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin. Việc này rất quan trọng vì Bệnh viện xác định, khi vào hoạt động, hệ thống công nghệ thông tin sẽ kết nối 2 cơ sở trong hoạt động quản lý khám chữa bệnh, đào tạo chuyên môn, triển khai bệnh án điện tử, kết nối với cổng thanh toán của Bảo hiểm xã hội...
Chất lượng nhân lực của 2 cơ sở sẽ như nhau
Về nhân lực, trong nhiều năm nay, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết, Bệnh viện đã triển khai đào tạo chuyên môn cho các y, bác sĩ, đặc biệt khi dự án cơ sở 2 được phê duyệt, Bệnh viện đã tiếp tục tích cực đào tạo, tuyển dụng cũng như sử dụng lực lượng tại chỗ, để vừa đáp ứng nhân lực cho cơ sở 1 và khi cơ sở 2 hoạt động cũng sẽ có đủ nhân lực để hoạt động ngay.
Dự kiến, khoảng 400-500 cán bộ, nhân viên là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, nhân viên hành chính… sẽ làm việc tại cơ sở 2 ngay khi cơ sở này đi vào hoạt động phục vụ người dân.
"Trước đó, Bệnh viện đã thông báo chủ trương này tới tất cả cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên…. Mọi người đều rất đồng thuận. Hiện tại, Bệnh viện có hơn 2000 cán bộ, nhân viên", ông Trịnh Ngọc Hải cho biết.
Đặc biệt, khi cơ sở 2 đi vào hoạt động, 1 Phó Giám đốc của Bệnh viện đã được phân công phụ trách. Các lãnh đạo, nhân viên, y bác sĩ của các khoa phòng sẽ luân phiên triển khai các hoạt động chuyên môn tại cơ sở 2 trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.
"Bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện rất yên tâm. Dù công tác cơ sở 1 hay cơ sở 2, họ đều được hưởng các chính sách lương và thu nhập như nhau, đồng thời sẽ luân phiên công tác giữa 2 cơ sở. Cơ sở 2 của Bệnh viện còn có hệ thống giao thông kết nối với cơ sở 1 rất thuận lợi".
Vấn đề đào tạo nhân lực là nhiệm vụ chính trị của Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh viện sẽ liên tục đào tạo, cập nhật kỹ thuật mới và tuyển dụng để thay thế các lực lượng nghỉ chế độ, đồng thời nâng cao chuyên môn của đội ngũ đang công tác.
"Đây là công việc thường xuyên, mang tính sống còn, nếu không đào tạo, không cập nhật, ứng dụng kỹ thuật mới, phác đồ mới thì Bệnh viện sẽ bị tụt hậu", lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định.
Hiện tại, phần lớn bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 1 đến từ các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ khu vực Hà Nội đa số là bệnh nhân ngoại trú. Theo tính toán của Bệnh viện, sẽ đảm bảo đủ cán bộ y bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh ở cả 2 cơ sở.
Đồng thời, lãnh đạo Bệnh viện cũng khẳng định, với kinh nghiệm điều động cán bộ của Bệnh viện, người dân hoàn toàn không phải lo lắng về nhân lực của 2 cơ sở và yên tâm khi thăm khám, điều trị tại 2 cơ sở của Bệnh viện Nhi Trung ương có chất lượng như nhau.
"Để tiết kiệm thời gian, công sức, thuận tiện đường đi, người dân hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn 1 trong 2 cơ sở của Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám và điều trị vì y, bác sĩ của 2 cơ sở là như nhau", ông Trịnh Ngọc Hải khẳng định.
Ý kiến ()