Bệnh viện “nâng” chất lượng, người bệnh “cần” bảo hiểm
LSO-Từ ngày 1/3/2016, thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí các bệnh viện, hàng nghìn dịch vụ y tế áp dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT đồng loạt tăng giá 30%. Đây là động lực để các bệnh viện tăng chất lượng khám, chữa bệnh (KCB); đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT; thu hút người dân tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân.
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh |
Giá tăng – chất lượng KCB tăng
Chúng tôi đến tìm hiểu việc tăng giá dịch vụ và chất lượng KCB tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh –đơn vị có số lượng bệnh nhân đến KCB lớn nhất của tỉnh. “Giá tăng, chất lượng khám, chữa bệnh tăng” – ông Phan Thanh Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Lạng Sơn khẳng định. Theo ông Huy, viện phí tăng giá hay không thì chúng tôi vẫn phải nâng cao chất lượng KCB. Tuy nhiên, nếu tăng giá thì hoạt động này sẽ được làm tốt hơn. Bởi đây sẽ là điều kiện để bệnh viện tập trung vào 3 giải pháp mang tính quyết định: nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; chất lượng chuyên môn và áp dụng trang thiết bị, kỹ thuật mới vào KCB nhằm thu hút người bệnh và nâng cao thương hiệu của bệnh viện.
Theo đó, ban giám đốc bệnh viện quán triệt 100% cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên thực hiện phương châm “bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Bệnh viện được Bộ Y tế đánh giá là một trong số ít bệnh viện thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có chất lượng, tiêu biểu trong đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Hiện bệnh viện đang xây dựng kế hoạch thay đổi cơ chế, linh hoạt bố trí nhân lực phòng khám theo hướng lựa chọn bác sĩ đủ điều kiện mới được ra phòng khám để chẩn đoán điều trị hợp lý và rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh. Bên cạnh đó, vừa đào tạo tập trung, vừa tự đào tạo cho cán bộ, y, bác sĩ để đáp ứng yêu cầu công việc và mở rộng hơn các thủ thuật. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật mới. Từ đầu tháng 3/2016 đến nay, bệnh viện đã có trên 20.500 lượt người đến khám bệnh, điều trị cho hơn 5.980 bệnh nhân nội trú, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. Hiện bệnh viện có trên 2.710 danh mục kỹ thuật áp dụng tăng giá viện phí, trong đó có nhiều dịch vụ kỹ thuật cao và xét nghiệm mới.
Người bệnh có thẻ BHYT được lợi
Đối với người có thẻ BHYT thì mức độ tác động do tăng giá viện phí đến các nhóm khác nhau. Theo đó, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng do được chi trả 100% chi phí KCB. Đối tượng KCB BHYT còn lại sẽ ảnh hưởng ở mức độ không nhiều. Ông Nông Văn Hoan, Trưởng phòng Giám định BHYT cho biết: cần hiểu tăng giá viện phí không đồng nghĩa với tăng phần chi trả của người dân. Nếu trong năm đó người bệnh có số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở mà đã có 5 năm tham gia BHYT liên tục thì sẽ không phải tiếp tục cùng chi trả nữa. Một số khoản thu trước đây do không được kết cấu vào giá vì vậy các cơ sở KCB có thể thu thêm của người bệnh có thẻ BHYT nhưng nay được kết cấu vào giá nên người bệnh không phải trả thêm.
Ông Nông Hoàng Tuấn, 75 tuổi ở xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đã điều trị tích cực sau phẫu thuật tại Khoa Ngoại chấn thương, bỏng ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh được hơn chục ngày. Ông Tuấn là bệnh nhân có thẻ BHYT theo diện hưu trí, ông cho biết: việc tăng giá viện phí là điều tất yếu khi cái gì cũng trượt giá nên muốn áp dụng kỹ thuật mới vào KCB thì cần phải tăng giá dịch vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc người bệnh được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn, đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao chất lượng KCB.
Chị Lý Thị Thiệp, 25 tuổi ở xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, bệnh nhân có thẻ BHYT diện dân tộc thiểu số đang chạy thận nhân tạo tại khoa Nội 3, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh tỏ ra khá lạc quan khi biết thông tin tăng giá viện phí. Chị Thiệp cho biết: tôi phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao để chạy thận 12 lần/tháng. Nếu những người điều trị như tôi mà không có BHYT thì sẽ phải trả trên 5 triệu đồng/tháng, nhưng tôi chỉ phải chi trả 5% chi phí điều trị. Hiện nay đã áp dụng tăng giá viện phí, thì mỗi tháng gia đình tôi chi thêm khoảng 60 nghìn đồng. Mức giá đấy có thể chấp nhận được, hơn nữa các y, bác sĩ trong khoa đều tận tình nên tôi yên tâm điều trị ở đây.
Thực tế cho thấy, người bệnh có thẻ BHYT như ông Tuấn, chị Thiệp đều có thể chấp nhận được mức tăng viện phí. Song điều đáng nói là đối với những người không có thẻ BHYT thì mức tăng viện phí sẽ là “gánh nặng” nếu phải chi trả 100% chi phí khám và điều trị tại cơ sở KCB.
HOÀI AN
Ý kiến ()