Bệnh viện lại quá tải
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang phải chịu đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên trong năm khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Tại các bệnh viện, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh vẫn đông nghẹt. Thời tiết nắng nóng, các bệnh viện đã bố trí thêm quạt, ghế ngồi cho người bệnh chờ khám.
Hiện tượng nằm ghép đã giảm, song vào những lúc bệnh dịch bùng phát, nhiều khoa, phòng vẫn phải nằm ghép.
Ngồi trước cửa Phòng khám nội – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chờ khám, bà bà N.T.H (69 tuổi, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi đi từ 6h sáng, hơn 3 tiếng rồi vẫn ngồi xếp hàng chưa tới lượt tiêm”. Bà H. mắc bệnh đái tháo đường type 2 và huyết áp cao đã 5 năm nay, tháng nào cũng tới khám tại bệnh viện. “Ở đây lúc nào cũng đông, muốn khám và xét nghiệm xong buổi sáng thì phải đi sớm, nếu không thì chiều mới xong”, bà H. cho biết.
Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sáng 18/5 đông nghẹt. Các phòng khám hô hấp và cơ xương khớp; khám nội tiết; nội thần kinh; tiêu hoá – thận…đều rất đông bệnh nhân xếp hàng. Tại khu khám bệnh theo yêu cầu từ sáng sớm đã đông bệnh nhân ngồi chờ. Một nam bệnh nhân ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi xếp hàng từ 7h, nay đã 9 rưỡi cũng chưa tới lượt khám”. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận hơn 1.000 người tới khám, tăng nhiều so với thời điểm dịch COVID-19.
Tại Khoa Khám bệnh BHYT – Bệnh viện Bạch Mai cũng trong cảnh tương tự. Khu vực chụp chiếu như: Xquang, cộng hưởng từ, siêu âm, nội soi tiêu hoá… và khám ngoại tổng hợp, chấn thương cột sống… bệnh nhân ngồi chờ rất đông. Chờ siêu âm ổ bụng, bà T.T.V (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Biết bệnh viện đông nên tôi đi từ 5h sáng, mục đích chỉ xét nghiệm máu tầm soát ung thư. Nhưng sau khi khám, bác sĩ chỉ định nội soi tai mũi họng và siêu âm ổ bụng vì mấy tháng nay tôi cứ đau tức vùng bụng. Nếu siêu âm không sao bác sĩ sẽ cho nội soi dạ dày. Làm hết các chỉ định này chắc phải tới chiều mới xong”.
Một nam bệnh nhân ở Hải Phòng thì kể, anh đi từ 4h sáng, lên đến bệnh viện là 6h, sau khi thăm khám, đến hơn 10h bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày. “Phòng nội soi còn rất đông bệnh nhân, chắc phải chờ tới chiều”, anh này cho biết.
Theo TS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 7.000-12.000 người tới khám chữa bệnh, tăng nhiều lần so với thời điểm dịch COVID-19. Vì là tuyến cuối nên bệnh viện luôn trong tình trạng đông, nhiều bệnh nhân chuyển lên trong tình trạng nặng và rất nặng. Một số khoa giường bệnh phải nằm ghép. Để giảm tải, bệnh viện tổ chức nhiều ca khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa cho tuyến dưới, nhiều ca bệnh khó đã được phẫu thuật và điều trị ngay từ y tế cơ sở, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân tới bệnh viện rất đông, bệnh viện cố gắng bố trí tối đa giờ khám bệnh sớm, làm việc đến cuối giờ trưa để bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sớm, trở về trong ngày. Đồng thời bố trí khu ngồi chờ khám có quạt mát, ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng sẽ làm gia tăng các trường hợp sốc nhiệt, đột quỵ não, rối loạn điện giải và viêm phổi. Nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng hơn so với thời điểm trước đó. Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, có 2 nhóm bệnh gây ra tình trạng viêm phổi trong những ngày nắng nóng, gồm: Nhóm người bị di chứng tai biến mạch máu não, người bị sa sút trí tuệ, phải nằm một chỗ, bật điều hoà lạnh, mất khả năng tự phục vụ; nhóm những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi mạn tính. Vì vậy, những người này khi nằm điều hòa luôn phải có chăn bên cạnh để đắp khi lạnh và phải có người chăm sóc. Nhóm bệnh nhân không xoay trở mình được thì để điều hòa ở mức 28 độ. Còn lại các bệnh phổi khác để từ 27 độ trở lên.
Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tiếp nhận một số ca bệnh khi bị đột quỵ nhồi máu não, gia đình cho uống viên An Cung, khi vào viện đã chảy máu ở rất nhiều nơi, xuất huyết dưới da, BS không đặt được ống nội khí quản. Hoặc gặp nhiều ca bệnh sau khi uống An Cung đã bị tiêu chảy, dị ứng, người bệnh mải tự điều trị mà quên mất “giờ vàng”. Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, người từ 60 tuổi trở lên không nên ra ngoài từ 10h-15h. Đối với người 75 tuổi trở lên thì không nên đi ra ngoài các giờ trong ngày, kể cả ngồi sau xe máy. Người cao tuổi có thói quen tập thể dục buổi sáng, vào những ngày nhiệt độ 39-40 độ, hơn 6h sáng đã có bức xạ, buổi sáng không nên ra ngoài tập thể dục, mà tập nhẹ nhàng trong nhà.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/benh-vien-lai-qua-tai-i693996/
Theo cand.com.vn
Ý kiến ()