Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh
(LSO) – Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn tiên phong triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải áp lực cho các y, bác sỹ và nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng của người bệnh.
Sau một ngày chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Hoàng Văn Thư (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) cho hay: Bố tôi năm nay gần 80 tuổi, đầu tháng 12/2019, thấy ông chóng mặt, nôn liên tục nên tôi vội vàng đưa ông vào viện cấp cứu, không cầm theo giấy tờ gì. May nhờ có bệnh án lưu trên hồ sơ của bệnh viện, các bác sĩ nắm được tiền sử bệnh tật của ông (bệnh cao huyết áp, tiểu đường, máu nhiễm mỡ) nên dễ dàng chẩn đoán, điều trị. Đến nay, ông đã qua cơn nguy kịch.
Thường xuyên khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà Hồ Thị Phương (72 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Những năm trước, mỗi lần đi khám, tôi phải chờ đợi rất lâu để lấy phiếu, xếp phiếu khám, lấy kết quả xét nghiệm. Giờ có máy móc, các bác sĩ làm nhanh lắm, cứ đăng ký rồi ngồi đợi đến lượt, gọi tên là vào khám, lấy kết quả, lấy thuốc cũng nhanh hơn nhiều.
Cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cập nhật hồ sơ bệnh nhân qua hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện
Thực tế trên cho thấy: việc ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh (còn gọi là phần mềm quản lý bệnh viện) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh như: tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, giảm các thủ tục, giấy tờ…
Còn với các y, bác sĩ, nhờ phần mềm quản lý bệnh viện, họ giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều, tránh nhầm lẫn trong khâu kê đơn thuốc. Bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: Sau khi ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, chúng tôi cập nhật thông tin sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bệnh nhân được dễ dàng, đầy đủ; giảm bớt các thủ tục hành chính; khi xét nghiệm cũng có kết quả nhanh hơn (trước đây mất 1 – 2 giờ thì nay chỉ cần 30 phút). Từ đó, chúng tôi có thêm thời gian chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn.
Để có được những tiện ích đó, từ năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị, ứng dụng CNTT đưa phần mềm quản lý bệnh viện vào vận hành. Nhờ có phần mềm này, bệnh viện đã quản lý được bệnh nhân từ khi tiếp đón, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, quản lý điều trị nội trú, ngoại trú đến điều trị, cấp phát thuốc.
Trong quá trình vận hành, Ban Giám đốc bệnh viện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo khắc phục các sự cố, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, nâng cấp phần mềm để đáp ứng nhu cầu thực tế khám chữa bệnh của đơn vị. Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm, bệnh viện đầu tư khoảng 500 triệu đồng để bảo dưỡng máy móc, nâng cấp phần mềm.
Đặc biệt, từ tháng 7/2016, bệnh viện đã nâng cấp hệ thống VNPT-HIS để có thể lưu giữ, thể hiện lịch sử thăm khám, quá trình điều trị của bệnh nhân, hỗ trợ quyết định lâm sàng, xem và quản lý các kết quả cận lâm sàng. Qua đây, bác sỹ có thể dễ dàng truy cập xem và theo dõi kết quả điều trị của bệnh nhân một cách chính xác, giúp giảm thiếu sót y khoa, giảm bớt các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho cả bác sỹ và bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám và điều trị. Từ tháng 4/2017 đến nay, bệnh viện đã triển khai ứng dụng thêm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh eFLIM, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân cũng như nâng cao hiệu quả chẩn đoán.
Đến nay, bệnh viện đã xây dựng được hệ thống ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện gồm 2 máy chủ, 232 máy trạm, 32 bộ phân kênh SWHICH; hệ thống xếp hàng tự động… mạng Internet và LAN kết nối hết các khoa, phòng; hệ thống gọi số tự động được triển khai. Bệnh viện cũng đã ứng dụng thành công đầu đọc mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế để giảm thời gian tiếp đón bệnh nhân và đảm bảo phản ánh đúng thông tin hành chính của người bệnh trong tổng hợp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ông Lâm An Biên, Trưởng Phòng CNTT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Theo lộ trình triển khai bệnh án điện tử (theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành 28/12/2018), trong tháng 12/2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục tập huấn lần hai để cán bộ, nhân viên ở tất cả các khoa, phòng có thể sử dụng thành thạo phần mềm mới, tiến tới ứng dụng sang phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS-L2 theo đúng tiến độ đề ra (bắt đầu từ ngày 1/1/2020), phấn đấu đến năm 2023 đạt đầy đủ các quy định theo Thông tư 46 về bệnh án điện tử.
Đánh giá về những kết quả đạt được của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Phạm Đức Cơ, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế nhận định: Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt việc triển khai phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS-L2 sẽ giúp bệnh viện tiến thêm một bước theo mô hình y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của và người dân.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()