Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn: Những bất cập trong công trình mới
(LSO) – Tiếp nhận và sử dụng “cơ ngơi ngàn tỷ”, chưa hết “niềm vui nhà mới”, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh lại băn khoăn vì những bất cập xuất phát từ sự thiếu đồng bộ của công trình.
Hoàn thành cuộc “đại di chuyển”
Sau nhiều lần trì hoãn đề chờ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cuối tháng 9/2019, BVĐK đã chính thức sang cơ sở mới và đến cuối tháng 10, khoa lâm sàng cuối cùng của bệnh viện (BV) là Khoa Thận – Tiết niệu – Lọc máu đã bước vào hoạt động bình thường tại cơ sở mới. Không thể kể hết niềm vui và sự ngỡ ngàng của cán bộ, nhân viên và cả bệnh nhân khi được làm việc, chữa bệnh trong một công trình đồ sộ, rộng rãi.
Mấy hôm nay, BV có lưu lượng trên 800 bệnh nhân, song chúng tôi không cảm thấy sự chật chội đến ngột ngạt từ khu vực khám bệnh; không nhìn thấy cảnh nằm ghép, kê thêm giường ra hành lang tại các khoa lâm sàng… Dẫn chúng tôi đến thăm một số khoa phòng của BV, cô Nguyễn Thị Hà Thu, chuyên viên Phòng Công tác xã hội của BV cho biết: Như người đang ở ngôi nhà sập xệ được dọn đến căn biệt thự sang trọng, anh chị em không khỏi bị “choáng ngợp” trước sự đồ sộ của khối nhà và sự rộng rãi của những căn phòng.
Bệnh nhân khoa Thận – Tiết niệu – Lọc máu điều trị trong căn phòng bị chói nắng với những tấm ri – đô tạm bợ
Nói về việc di chuyển BV trong thời gian qua, bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc BV nở nụ cười tươi: An toàn tuyệt đối. Anh cho biết: Bất cứ sự dịch chuyển nào cũng phức tạp song di chuyển cả một BV lớn của tỉnh với hàng ngàn máy móc thiết bị, lại vừa di chuyển vừa đảm bảo khám và điều trị bình thường cho bệnh nhân, sự phức tạp lại càng lớn.
Lường trước được vấn đề, trước khi vận chuyển máy móc thiết bị, BV đã cử đội ngũ cán bộ chuyên khoa, mời các chuyên gia ở một số doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế đến tháo dỡ, sắp đặt, đóng gói, niêm phong rất cẩn thận, với từng chi tiết nhỏ, ghi địa chỉ đến từng phòng, từng tầng. Được sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, sự phối hợp của các lực lượng như: quân đội, công an, trường cao đẳng y tế… các loại máy móc, thiết bị được di chuyển một cách an toàn, đồng bộ. Khi lắp đặt, đội ngũ công nhân của các nhà thầu đang thi công khối nhà cũng sẵn sàng giúp đỡ BV giải quyết những vấn đề phát sinh, có giải pháp kỹ thuật khá đồng bộ để phục vụ lắp đặt. Sau lắp đặt, công tác hiệu chỉnh máy móc được tiến hành ngay để có thể đưa vào sử dụng phục vụ điều trị bệnh nhân.
Đối với máy móc kỹ thuật cao, máy soi chiếu, chụp hiện đại, hệ thống chạy thận, lọc máu… BV đã được sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện trung ương trong khảo sát phòng lắp đặt, kiểm tra tỷ mỷ hệ thống lọc nước RO, liên tục lấy mẫu nước về Hà Nội xét nghiệm chất lượng, đến khi đảm bảo các yếu tố kỹ thuật chuyển máy sang lắp đặt và tiến hành lọc máu cho bệnh nhân. Vì vậy, sau hơn 2 tuần vận hành tại cơ sở mới, các máy móc của Khoa Thận – Tiết niệu – Lọc máu đã phát huy hết công suất phục vụ an toàn bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Khó khăn vẫn ở phía trước
Quan sát BV mới, nhiều người nói rằng, nhìn từ bên ngoài, BV như một pháo đài sừng sững, uy nghi phía Bắc thành phố nhưng sự đơn điệu trong thiết kế được phản ánh ngay từ hình dáng của 2 cái cổng. Vẫn biết BV chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1, nên chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy “bệnh viện xen lẫn công trường”. Bên ngoài ngổn ngang sắt thép, máy ủi máy san và công nhân đào bới. Bên trong, những người thợ xây dựng với những bộ quần áo, mũ bảo hộ xen với nhân viên y tế áo blu trắng và người nhà bệnh nhân với bộ quần áo vàng. Phòng ở, nhà kho của công trường xen lẫn phòng bệnh, phòng làm việc… Rồi tiếng máy khoan, tiếng đục bê tông chói tai…
Khu vực cấp cứu được bố trí hiện đại, rất khoa học trong phòng rộng, nhiều giường bệnh nhân, ở giữa có các ca – bin trực hợp lý, thuận tiện cho kíp bác sĩ trực quan sát và kịp thời xử trí tình huống. Tuy vậy, những tấm kính mỏng manh không thể ngăn được sức nóng tỏa ra khi mặt trời chiều thẳng vào các giường bệnh nhân. Trong khi chờ đợi giải pháp xử lý, BV cho mắc những tấm ri đô ngắn cũn cỡn trông rất phản cảm và cũng chẳng ngăn được cái nóng âm âm rất dễ khiến con người ta bực bội do hiệu ứng nhà kính, mặc dù cái nắng mùa đông rất nhẹ. Cũng như vậy, Khoa Thận-Tiết niệu-Lọc máu phải xếp giường bệnh nhân quay đủ hướng cũng không tránh được cái nóng của mặt trời sau những tấm kính và ri đô mỏng tang.
Trong phòng làm việc của giám đốc, thấy tôi chăm chú quan sát những vết ố vàng trên tường, di di những vết rạn vỡ của gạch nền, Giám đốc BVphần trần, phòng của anh còn đỡ, các phòng khác tệ hại hơn nhiều. Có lẽ do thiếu vốn hoặc chưa xong giai đoạn 1 và do thời gian thi công quá lâu, vật liệu không tốt cộng với thi công ẩu nên BV hiện đang trong tình trạng xuống cấp. Một BV hạng I với quy mô 700 giường, lúc nào cũng có lưu lượng vài ba ngàn người với trên 700 cán bộ nhân viên, 800 bệnh nhân và bằng ấy người nhà của họ với đủ các khoa phòng ngày càng hiện đại lại hoạt động trong sự thiếu hợp lý của thiết kế, thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải lỏng nguy hại… thử hỏi làm sao có thể yên tâm? Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo để chuyển khoa chống nhiễm khuẩn từ cơ sở cũ sang nên việc xử lý nhiễm khuẩn, xử lý đồ vải vẫn cứ phải “quay đầu” về cơ sở cũ, khiến chi phí tăng, lượng tồn nhiều gây nên tình trạng thiếu cục bộ và nguy cơ lây nhiễm chéo là rất lớn.
Để khắc phục những nhược điểm này, với tư cách là người sử dụng, Giám đốc BV cho rằng: Trước hết cần khắc phục thiết kế bất hợp lý của hướng nhà bằng hệ thống cửa kính 2 lớp, lắp đặt điều hòa, rèm dày để chống nóng. Cần thi công nhanh hệ thống xử lý chất thải lỏng nguy hại, nếu không, BV không những sẽ bị phạt mà ô nhiễm từ BV ra môi trường xung quanh sẽ khiến chúng ta trả giá rất đắt.
Ý kiến ()