Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn: Nâng cao năng lực để giải quyết vấn đề thực tiễn
(LSO) – Thực tiễn đặt ra cho Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn là làm sao thu hút người bệnh, giảm chuyển tuyến, xứng đáng là tuyến kỹ thuật cuối của tỉnh. Để làm được việc đó, bệnh viện đang giải quyết 2 vấn đề gồm: đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tranh thủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị hiện đại
Những ngày cuối tháng 11/2019, bệnh viện (BV) đã tập kết hệ thống chụp mạch hiện đại do dự án NORRED (dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Thế giới – WB tài trợ). Hiện các thiết bị đang được tiến hành lắp đặt đồng bộ và dự tính đến cuối tháng 12 khi đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội lên vận hành thử nghiệm, máy sẽ được đưa vào sử dụng. Và khi ấy, BV sẽ là địa chỉ gần gũi của nhiều bệnh nhân tim mạch.
Trước đó, tháng 5/2017, BV cũng đã tiếp nhận và lắp đặt máy chụp X-quang kỹ thuật số mới nhất, hiện đại nhất hiện nay với nhiều tính năng ưu việt: rõ nét, giảm lượng bức xạ tới bệnh nhân, chỉ cần một lần chụp sẽ cho kết quả tổng thể phục vụ tốt cho chẩn đoán, điều trị, thời gian trả phim chỉ từ 5-10 phút thay vì 40 phút như trước đây. Tháng 11/2018, BV lắp đặt thêm 2 máy lọc thận HDF online. Đây là máy lọc thế hệ mới tuy hoạt động giống như máy chạy thận thông thường, song nó có thêm cơ chế “ ù dịch” để lấy được nhiều độc tố có trọng lượng phân tử lớn (kỹ thuật thẩm thấu siêu lọc máu), giúp giải quyết biến chứng ở bệnh nhân chạy thận lâu năm.
Chuyên gia chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai và các kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn phân tích hình ảnh chụp qua máy kỹ thuật số hiện đại để chẩn đoán bệnh
Ngoài các trang thiết bị mới, hiện đại thuộc dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng cung cấp, BV chủ động đề xuất và thực hiện mua sắm trang thiết bị từ các nguồn khác như dự án Bệnh viện vệ tinh, liên doanh liên kết lắp đặt và sử dụng thiết bị, vốn của dự án phát triển, vốn địa phương …Cùng với thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, BV đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán, điều trị. Nếu năm 2018, BV áp dụng được 16 kỹ thuật mới, thì đến cuối tháng 10/2019, BV đã đưa 15 kỹ thuật mới vào ứng dụng, chủ yếu là các phẫu thuật phức tạp.
Nâng cao trình độ đội ngũ
Với triệu chứng đau đầu, chóng mặt và sau đó người cứ lịm dần, ông Nguyễn Văn Thờn, 82 tuổi ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn được người thân chuyển ngay đến Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) của BVĐK tỉnh. Sau 30 phút chụp và đọc kết quả, ông được chẩn đoán u não; bệnh nặng, gia đình cứ tha thiết xin đi Hà Nội để cứu chữa. Sau khi hội chẩn qua hệ thống video với các chuyên gia tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ khuyên gia đình không nên đưa đi Hà Nội, vì như vậy rất nguy hiểm, có thể tử vong ngay trên đường đi cấp cứu. Được sự tư vấn của các bác sĩ BV Bạch Mai, các bác sĩ Khoa HSCC cứu BVĐK Lạng Sơn quyết định ứng dụng kỹ thuật “điều trị bệnh nhân đột quỵ não sử dụng thuốc tiêu huyết khối” để điều trị. Kết quả, bệnh nhân đã tránh được nguy cơ hôn mê; hồi phục dần và chỉ 4 ngày sau được ra viện.
Là tuyến kỹ thuật y tế cuối của tỉnh miền núi, biên giới, Khoa HSCC của BVĐK Lạng Sơn thường xuyên tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh lý não (đột quỵ, shock, hôn mê); các bệnh lý về đường hô hấp (phổi tắc nghẽn); các trường hợp ngộ độc… Năm 2018, khoa đã tiếp nhận gần 700 ca tai biến mạch máu não (187 trường hợp đột quỵ, tai biến mạch mãu não, 183 ca xuất huyết não, 300 ca nhồi mãu não). Trong 9 tháng của năm 2019 cũng có trên 800 ca như vậy. Những trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời mà vận chuyển đi xa, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao hoặc chịu những di chứng nặng nề. Năm 2018, BVĐK Lạng Sơn đã cử 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng về BV Bạch Mai đăng ký tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật “điều trị bệnh nhân đột quỵ não sử dụng thuốc tiêu huyết khối”. Bằng kỹ thuật mới, hơn một năm qua, nhiều bệnh nhân được cấp cứu và sử dụng thuốc kịp thời và thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh BVĐK Lạng Sơn, Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Hồng Nhung, chuyên gia BV Bạch Mai nói rằng, cô đang cùng đồng nghiệp giúp các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh BVĐK Lạng Sơn cách đọc và phân tích kết quả trên phim của máy chụp X-quang kỹ thuật số rất hiện đại của BV. Đây là việc làm trong chương trình bệnh viện vệ tinh và công tác chỉ đạo tuyến và cũng là hình thức bồi dưỡng hiệu quả theo tính chất “cầm tay chỉ việc”. Theo cách này, trình độ của các bác sĩ Lạng Sơn được nâng lên nhanh hơn, vững chắc hơn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp nhận và khai thác có hiệu quả thiết bị mới, hiện đại; triển khai nhiều kỹ thuật mới theo tuyến và vượt tuyến…vẫn là sự trăn trở của lãnh đạo BVĐK Lạng Sơn. Có máy móc hiện đại song quan trọng hơn là khả năng đọc kết quả để chẩn đoán chính xác bệnh, có chẩn đoán chính xác mới có phác đồ điều trị phù hợp để khỏi bệnh. Đầu tư trang thiết bị hiện đại và đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực như con người đi bằng hai chân.
BVĐK Lạng Sơn đứng trước nhiều thuận lợi, đó là trình độ đội ngũ ngày càng được nâng lên bằng các kênh đào tạo; có nhiều máy móc hiện đại, có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối BV với tuyến trung ương trong hội chẩn các ca bệnh khó. Và, người được hưởng lợi, không ai khác chính là nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
MINH HỒNG
Ý kiến ()