Bệnh viện Bạch Mai luôn duy trì vị trí hàng đầu về chất lượng xét nghiệm
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Khoa học chuyên ngành hóa sinh và Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa Hóa sinh, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện, đại diện các đơn vị trực thuộc bệnh viện, các y, bác sĩ, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành hóa sinh đến từ các bệnh viện Trung ương và địa phương.
Phát biểu chào mừng tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ cho biết, Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai được thành lập từ năm 1954, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đến nay khoa đã trở thành chuyên khoa đầu ngành về hóa sinh lâm sàng trong cả nước. Trong 70 năm qua, Khoa Hóa sinh luôn nỗ lực không ngừng trong công tác chuyên môn, với số lượng và danh mục liên tục tăng qua các năm, đẩy mạnh phát triển các xét nghiệm mới và các xét nghiệm chuyên sâu.
Hiện nay, khoa đang thực hiện hơn 300 quy trình xét nghiệm với số lượng gần 10 nghìn xét nghiệm mỗi ngày, dự kiến sẽ triển khai thêm 38 danh mục xét nghiệm mới thời gian tới. Đáng mừng, theo sự phân công của Bộ Y tế, Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai là một labo tham chiếu thuộc hệ thống các phòng xét nghiệm trong cả nước.
Trong hàng chục năm qua, khoa không ngừng xây dựng và phát triển hệ thống chất lượng và chuyên môn, trở thành phòng xét nghiệm sinh hóa đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 15198 ở nước ta và đạt được những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khác của quốc tế, duy trì vị trí hàng đầu về chất lượng xét nghiệm.
Ngoài nhiệm vụ xét nghiệm hóa sinh phục vụ công tác chẩn đoán, theo dõi điều trị của tất cả các khoa, phòng của bệnh viện, Khoa Hóa sinh còn là phòng xét nghiệm tham chiếu cho các cơ sở y tế trên cả nước; tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo và tư vấn về công tác bảo đảm chất lượng cho tuyến trước, trở thành ngọn cờ đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được các cấp lãnh đạo giao phó cho chuyên khoa hóa sinh lâm sàng của ngành y tế.
Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai còn là cơ sở thực hành về hóa sinh lâm sàng của nhiều trường đào tạo về y dược như: Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược (Đại học quốc gia Hà Nội), Đại học Tokyo Việt Nam…
Bên cạnh đó, khoa cũng đã được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như tham gia đoàn thẩm định các bệnh viện, cơ sở y tế, là đầu mối xây dựng danh mục xét nghiệm; hướng dẫn quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật cho các xét nghiệm chuyên khoa hóa sinh; đóng góp ý kiến về chuyên môn trong xây dựng chủ trương, chính sách, tham gia các hội đồng của Bộ Y tế, qua đó đã thể hiện vai trò đầu ngành của mình.
Với vai trò và nhiệm vụ quan trọng được giao phó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ mong rằng Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phát huy truyền thống, các thế hệ đoàn kết, phối hợp các đơn vị trong sự nghiệp phát triển chung, lấy người bệnh làm trung tâm để được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất, thuận lợi nhất.
Đồng thời, phát triển ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiếp cận với chất lượng dịch vụ các nước phát triển trên thế giới, đóng góp vào sáu mũi nhọn phát triển của Bệnh viện Bạch Mai, luôn là hậu phương vững chắc của lâm sàng, xứng đáng với niềm tin của các thầy thuốc và người dân.
Dịp này, Bộ trưởng Y tế trao tặng Bằng khen cho Khoa Hóa sinh (Bệnh viện Bạch Mai) đã có thành tích xuất sắc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật xây dựng quy trình chuyên ngành hóa sinh lâm sàng; Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tặng Giấy khen cho 12 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật xây dựng quy trình chuyên ngành hóa sinh lâm sàng.
Tại Hội nghị Khoa học chuyên ngành hóa sinh các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung trong lĩnh vực này như: Giải pháp nâng cao nguồn lực phát triển chuyên ngành hóa sinh; danh mục xét nghiệm, định mức xét nghiệm, bảo đảm chất lượng xét nghiệm; các yếu tố ảnh hưởng xét nghiệm định lượng troponin huyết thanh, huyết tương và một số lưu ý khi triển khai xét nghiệm; giá trị của calprotectin và anti vinculin phân biệt viêm loét đại trực tràng chảy máu và hội chứng ruột kích thích,...
Ý kiến ()