Bệnh tay-chân-miệng: “Nguy cơ cao” tại các trường mầm non nông thôn
LSO-Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, đến hết 31/3/2013, toàn tỉnh đã xảy ra 96 ca mắc tay-chân-miệng, gấp 2,3 lần so với quý I năm 2012.
LSO-Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, đến hết 31/3/2013, toàn tỉnh đã xảy ra 96 ca mắc tay-chân-miệng, gấp 2,3 lần so với quý I năm 2012. Có một điểm rất đáng chú ý là dịch bệnh đang có xu hướng tràn về khu vực nông thôn…
Cô giáo trường Mầm non xã Quảng Lạc hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng đúng cách |
Ngày 27/3/2013, Trường Mầm non xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn phát hiện ca bệnh đầu tiên và đến hết ngày 1-4 trên địa bàn xã đã có 9 ca mắc, trong đó có 6 trẻ đang học tại trường mầm non (chủ yếu là các cháu trong độ 3 tuổi). Cô giáo Loan Thị Thao, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bệnh tay-chân-miệng xuất hiện rải rác ở địa bàn tỉnh ta từ lâu; qua kênh thông tin của ngành và các phương tiện thông tin đại chúng, các cô đã rất “cảnh giác” với loại bệnh này. Khi nó thực sự xuất hiện, nhà trường đã áp dụng tất cả các biện pháp có thể, từ việc cho lớp 3 tuổi tạm nghỉ học để làm công tác cách ly, đến tăng cường công tác vệ sinh trường lớp học, đồ dùng đồ chơi, hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng đúng cách và tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền cách nhận biết, phòng bệnh cho các phụ huynh học sinh. Đối với học sinh tạm nghỉ học, qua đội ngũ giáo viên làm công tác điều tra phổ cập đến từng gia đình để tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về loại bệnh này để làm tốt công tác tư tưởng cho bà con. Bác sĩ Chu Thị Bắc, Trạm trưởng Trạm y tế Quảng Lạc nói rằng, với trách nhiệm của mình, trạm đã làm tất cả các công việc theo nhiệm vụ của tuyến kỹ thuật để ngăn chặn bệnh lây lan. Với phương châm nhanh chóng, kịp thời và không giấu dịch, trạm y tế xã đã xuống nhà trường thăm khám cho các cháu và chuyển các cháu đến bệnh viện; báo cáo với địa phương và Trung tâm Y tế thành phố, đồng thời cử cán bộ nhân viên, cung cấp cloraminB cùng nhà trường tiêu trùng khử độc, làm vệ sinh trường lớp học; phổ biến, giao nhiệm vụ cho y tế thôn bản và cùng xuống các thôn bản vừa vận động nhân dân cách nhận biết, cách ly và chăm sóc các cháu trong thời gian điều trị tại nhà.
Làm việc với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho rằng, bình thường có nhiều người mang mầm bệnh tay-chân-miệng, song do sức đề kháng tốt nên không phát bệnh. Chính sự giao lưu, tiếp xúc giữa người lớn với nhau đã tạo điều kiện cho mầm bệnh tràn lan và gặp thời tiết thuận lợi (thời điểm giao mùa) bệnh phát triển và lây lan nhanh chóng ở đối tượng trẻ em- đối tượng có sức đề kháng yếu. Cái khó trong phòng loại bệnh này là bệnh do nhiều tuýt virut gây ra và mỗi tuýt vi rút lại có dạng miễn dịch khác nhau, nên thường có nhiều người mắc và người đã mắc rồi lại mắc lại; do hiện nay chưa có vacin phòng bệnh, nên cách phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường đúng cách. Ở khu vực nông thôn nói chung và MN nông thôn nói riêng, do nhiều yếu tố, vẫn chưa thể thực hiện vệ sinh “đúng cách”. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, mà trẻ em thường hay có thói quen đưa tay vào miệng, mút đồ chơi, lê la ở môi trường chưa được diệt khuẩn; vì vậy trẻ em độ tuổi mầm non thường mắc và bệnh lan truyền về khu vực nông thôn cũng là điều dễ hiểu. Qua sự phân tích của Giám đốc Trung tâm YTDP và thực tế trẻ mắc ở trường MN xã Quảng Lạc, có thể hiểu rằng môi trường gia đình, khu dân cư khu vực nông thôn vẫn chưa thể là môi trường “an toàn” của trẻ em.
Hiện nay, trên địa bàn của 49 xã thuộc 10 huyện, thành phố (trừ Lộc Bình) đã có trẻ mắc và theo dự báo, bệnh sẽ lây lan mạnh vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2013. Trong đó khu vực nông thôn sẽ có tỷ lệ mắc cao, nếu không có những biện pháp cụ thể, cần thiết. Theo thống kê, toàn tỉnh có 184 trường mầm non bán trú, hai buổi/ngày với trên 39 ngàn học sinh (chiếm tỷ lệ 92% tổng số cháu ra lớp). Thêm lớp bán trú cũng có nghĩa là phải thêm giáo viên; tuy nhiên dù đã rất cố gắng, số giáo viên/ lớp bán trú còn thiếu cục bộ ở một số địa phương, nhất là các trường MN nông thôn. Thiếu giáo viên, sức ép thực hiện chương trình khiến nhiều trường và điểm trường không có người làm vệ sinh lớp học, đồ dùng đồ chơi cho các cháu. Vì vậy, nguy cơ các cháu bị nhiễm bệnh tay-chân-miệng là rất lớn. Ngay như trường MN Quảng Lạc, với 7 lớp 236 học sinh ở trường chính và 2 điểm trường, bình quân 34 học sinh/ lớp. Theo định biên, trường vẫn còn thiếu tới 4 giáo viên.
MINH HỒNG
Ý kiến ()