Bệnh tay, chân, miệng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương
Có sự thay đổi triệu chứng, bệnh cảnh lâm sàng ở những trẻ mắc bệnhTheo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, tính đến ngày 13-3, tỉnh đã có 112 bệnh nhân mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM). Trong đó, 70 người đã được chữa khỏi, 42 người vẫn đang được chữa trị tại các bệnh viện trong tỉnh. Bệnh TCM đã xuất hiện ở tất cả chín huyện của tỉnh Hưng Yên. Trước tình hình bệnh TCM phát triển trên diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch, bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các địa phương, nhất là ở trường mầm non, mẫu giáo,...* Tại Trường mẫu giáo Hướng Dương (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang) vừa có hai trẻ lớp chồi 1 mắc các triệu chứng bệnh TCM. Do phát hiện sớm nên nhà trường cùng gia đình đã cách ly, đưa các cháu xét nghiệm và kết quả dương tính với bệnh TCM. Ngay khi xác định hai trẻ mắc bệnh TCM, trường đã quyết định cho toàn bộ trẻ lớp chồi...
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, tính đến ngày 13-3, tỉnh đã có 112 bệnh nhân mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM). Trong đó, 70 người đã được chữa khỏi, 42 người vẫn đang được chữa trị tại các bệnh viện trong tỉnh. Bệnh TCM đã xuất hiện ở tất cả chín huyện của tỉnh Hưng Yên. Trước tình hình bệnh TCM phát triển trên diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch, bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các địa phương, nhất là ở trường mầm non, mẫu giáo,…
* Tại Trường mẫu giáo Hướng Dương (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang) vừa có hai trẻ lớp chồi 1 mắc các triệu chứng bệnh TCM. Do phát hiện sớm nên nhà trường cùng gia đình đã cách ly, đưa các cháu xét nghiệm và kết quả dương tính với bệnh TCM. Ngay khi xác định hai trẻ mắc bệnh TCM, trường đã quyết định cho toàn bộ trẻ lớp chồi 1 nghỉ học đến hết ngày 15-3, đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế TP Long Xuyên phun thuốc khử trùng lớp chồi 1 và hai lớp mầm để phòng bệnh. Về phía nhà trường, tổ chức lau rửa lớp và đồ chơi của trẻ bằng chloramin B, giặt gối, đệm…
* Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tay, chân miệng (TCM) tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 400 ca bệnh TCM, trong đó, trẻ em dưới năm tuổi chiếm hơn 80%; một trường hợp tử vong. Theo Sở Y tế Bình Định, tình hình dịch bệnh TCM trong tỉnh tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp, nguy cơ lan tràn trên diện rộng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương sớm đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, yêu cầu ngành chức năng phải nắm chắc diễn biến dịch bệnh TCM trên địa bàn toàn tỉnh và sớm tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tổ chức thực hiện phòng, chống, giám sát, xử lý, không để dịch lan rộng, nhất là đối với các huyện là điểm “nóng” (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn); sẵn sàng vật tư, hóa chất, thuốc và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường học, phát hiện kịp thời trẻ mắc bệnh để cách ly điều trị…
* Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, từ đầu năm đến nay, bệnh TCM tăng cao, trong đó nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị, có trường hợp phải lọc máu và điều trị tích cực. Đáng chú ý, qua theo dõi các trường hợp TCM nhập viện đã phát hiện có sự thay đổi về triệu chứng, bệnh cảnh lâm sàng ở những trẻ mắc bệnh. Nếu trước đây triệu chứng bệnh thường biểu hiện rõ là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng, thì nay nhiều trẻ bị bệnh không bộc lộ rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc TCM. Nhiều trường hợp vi-rút đã tiến công vào não, biến chứng các cơ quan tiêu hóa, tim mạch… nhưng vẫn không có biểu hiện đặc trưng của bệnh.
Trong tổng số 320 trẻ nhập viện do TCM thì có tới 75% số trẻ mắc bệnh hoàn toàn không có yếu tố dịch tễ là đã từng tiếp xúc với trẻ mắc TCM. Điều này cho thấy, trẻ lây bệnh từ người lớn, nhất là từ người chăm sóc và tiếp xúc thường xuyên với trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo, khoảng 90 – 95% trẻ mắc bệnh TCM sẽ tự khỏi vì thế với trẻ mắc bệnh TCM ở thể nhẹ cha mẹ nên chăm sóc trẻ tại nhà, nhưng khi trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 – 40 oC, nôn, tiêu chảy, ăn ngủ kém, ngủ hay giật mình thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Theo Nhandan
Ý kiến ()