Bệnh sởi tiếp tục là thách thức lớn của nhiều nước
Báo cáo công bố ngày 10/11 của Liên hợp quốc cho thấy, mặc dù đã giảm được 79% tỷ lệ tử vong vì bệnh sởi trong giai đoạn 2000 – 2015, nhưng thế giới vẫn có gần 400 trẻ em chết vì bệnh sởi mỗi ngày.
“Làm cho bệnh sởi trở thành một câu chuyện cũ không phải là điều không thể”, ông Robin Nandy – người phụ trách vấn đề tiêm chủng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết trong báo cáo chung của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo báo cáo, các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin sởi đã cứu sống được khoảng 20,3 triệu trẻ em trong giai đoạn 2000 – 2015. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được có sự không đồng đều. Trong năm 2015, khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh đã không được tiêm phòng sởi và ước tính có khoảng 134.000 trẻ chết vì bệnh này. Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Pakistan chiếm một nửa số trẻ không được tiêm phòng và chiếm 75% số ca tử vong vì bệnh sởi.
Thật khó chấp nhận được rằng có hàng triệu trẻ em lỡ cơ hội tiêm vắc-xin mỗi năm. Chúng tôi có vắc-xin an toàn và hiệu quả cao để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi và cứu sống những mạng người”, Giáo sư Jean-Marie Okwo-Bele – Giám đốc phụ trách tiêm phòng, vắc-xin và sinh phẩm của WHO cho biết.
“Năm nay, khu vực châu Mỹ đã tuyên bố chấm dứt bệnh sởi – một bằng chứng cho thấy việc loại trừ bệnh này là điều có thể. Do vậy hiện nay, chúng ta cần phải chấm dứt bệnh sởi ở những khu vực còn lại của thế giới. Điều này sẽ bắt đầu với việc tiêm phòng”, ông Jean-Marie nói thêm.
Bệnh sởi tiếp tục là thách thức lớn của nhiều nước. Năm 2015, dịch bệnh bùng phát lớn đã được ghi nhận ở Ai Cập, Ethiopia, Đức, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Trong đó, tại Đức và Mông Cổ, bệnh này còn ảnh hưởng đến cả nhóm thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Bệnh sởi còn có xu hướng bùng phát ở các quốc gia có xung đột hoặc các trường hợp nhân đạo khẩn cấp do những thách thức từ việc tiêm phòng. Năm ngoái, sự bùng phát của bệnh sởi đã được báo cáo ở Nigeria, Somalia và Nam Sudan./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()