Bệnh sởi có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng không thể chủ quan
LSO-Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng, đến ngày 5/5/2014, toàn tỉnh đã ghi nhận 99 trường hợp nhập viện vì sốt phát ban nghi sởi. Qua xét nghiệm đã phát hiện thêm 3 trường hợp mắc sởi, nâng số người mắc sởi trên địa bàn tỉnh lên 6 người.
![]() |
Trạm Y tế xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng tổ chức chiến dịch tiêm chủng mở rộng |
Một điều rất đáng mừng là tiến độ “tiêm vét” vac-xin sởi ở tỉnh ta đã được đẩy nhanh. Thống kê của Sở Y tế đến hết ngày 26/4/2014, tỷ lệ tiêm phòng sởi (kể cả tiêm vét) của Lạng Sơn mới đạt 78,4% và nỗi lo của ngành là làm sao nâng tỷ lệ tiêm phòng sởi lên 95% vào cuối tháng 4 như Chỉ thị số 03/CT-BYT, ngày 24/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì “vướng” vào những ngày nghỉ lễ. Song bằng tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, các cơ sở y tế đã có những cố gắng lớn lao trong việc tiêm phòng, nhất là “tiêm vét”. Vì vậy, đến hết ngày 5/5/2014, toàn tỉnh đã có 7.268 cháu được tiêm/7.945 cháu trong diện tiêm, đạt tỷ lệ 91,4%. Những huyện có số trẻ được tiêm cao là Chi Lăng 769/806 trẻ (tỷ lệ 95,6%), Hữu Lũng 1407/1498 trẻ (tỷ lệ 93,9%), thành phố Lạng Sơn 1.197/1.323 trẻ (tỷ lệ 91%). Tuy nhiên cũng có đơn vị đạt thấp như Bình Gia 414/555 trẻ (tỷ lệ 74,5%), Văn Lãng 523/652 trẻ (tỷ lệ 80,2%). Nguyên nhân các đơn vị đạt thấp là có nhiều đơn vị xã còn từ 2-3 trẻ chưa tiêm nhưng chưa tiện cung cấp vacxin (1 lọ vacxin là 10 liều) và cam kết rằng sẽ ghép với đợt tiêm chủng mở rộng vào trước ngày 10/5. Như vậy, về tỷ lệ tiêm, ngành y tế có thể tạm yên tâm, vì tỷ lệ tiêm đạt cao, thì chỉ sau 2 tuần nữa sẽ có hàng ngàn trẻ trên các địa bàn được bảo vệ.
Về diễn biến của bệnh sởi, trong 5 ngày nghỉ lễ từ 30/4 đến 4/5/2014, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận 6 bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, thấp hơn nhiều so với giữa tháng 4/2014. Vậy đây có phải là “tín hiệu” đáng mừng vì tình hình bệnh sởi đã giảm hay chưa? Phân tích tình hình, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: đây mới chỉ là thống kê số nhập viện tại BVĐK tỉnh, trên thực tế, số phải nhập viện tại các Trung tâm y tế huyện chưa thể thống kê được, vì vậy chưa thể nói là giảm, mà chỉ có đôi chút “hạ nhiệt”. Dự báo trong thời gian tới, bác sĩ cho biết: là một tỉnh miền núi nhưng lại thuận tiện giao thông với các tỉnh có số mắc cao, nhất là thủ đô Hà Nội nên tỉnh Lạng Sơn vẫn đứng trước nguy cơ cao về mắc sởi. Trong 5 ngày nghỉ lễ, nhiều gia đình đã đưa con em mình đi thăm quan, du lịch tại các khu vực khác nhau, trong đó có “tâm sởi” là Hà Nội. Sởi là bệnh rất dễ lây, chỉ một sơ xuất nhỏ đã có thể lây bệnh và nếu như vậy, đến cuối tháng 5 này (sau từ 15-20 ngày ủ bệnh), bệnh sởi sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại ở tỉnh ta.
Không chủ quan với dấu hiệu “hạ nhiệt” của bệnh sởi trên địa bàn Lạng Sơn, ngành y tế một mặt tăng cường chỉ đạo các trung tâm y tế tiến hành rà soát lại số trẻ chưa tiêm và đã tiêm lần 1 để bổ sung vào số trẻ trong diện “tiêm vét”, mặt khác chỉ đạo quyết liệt việc tiêm chủng mở rộng với tỷ lệ trẻ tiêm chủng đạt cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cùng với đó tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung, trong đó có bệnh tay-chân-miệng, ru be la, thủy đậu, quai bị. Đã vào tháng 4 âm lịch, thời tiết đã chuyển từ xuân sang hè, song với đặc điểm khí hậu Lạng Sơn, sự chuyển mùa kéo dài và chậm chạp hơn với sự đan xen nóng lạnh, khô ẩm thất thường. Điều kiện thời tiết này là môi trường cho các loại vi rút hoạt động, nên rất dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với các gia đình có người đi tham quan, nghỉ mát, giao lưu tại các vùng miền, nhất là Hà Nội trở về, cần theo dõi sát sao những biểu hiện bất thường như ho, sốt, phát ban… để phát hiện bệnh kịp thời. Có như vậy mới giảm thiểu sự “lây chéo” các bệnh nói chung và bệnh sởi nói riêng ra cộng đồng.
MINH HỒNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()