Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng gia tăng, TP.HCM phân tuyến điều trị
Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành phân các bệnh nhân sốt xuất huyết thành 3 tầng để điều trị.
Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc và số ca nặng và số ca tử vong liên tục gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng chú ý, số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đã tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Sốt xuất huyết vẫn phức tạp, nhiều ca nặng
Mới đây, một phụ nữ mang thai 12 tuần nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân được điều trị chống sốc tích cực ngay tại thời điểm nhập viện.
Do bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết âm đạo, theo dõi dọa sinh non nên các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn với các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ nhằm bổ sung thêm các biện pháp dưỡng thai.
“Phụ nữ mang thai có sinh lý thay đổi nên quá trình theo dõi điều trị bệnh nhân có thai có phần khó hơn. Ngoài người mẹ thì chúng tôi phải theo dõi, đánh giá cả nguy cơ đối với thai nhi để có giải pháp xử trí kịp thời,” bác sỹ Hà Thị Hải Đường, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn cho hay.
Từ khi bước vào mùa dịch đến nay, tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nhập viện điều trị và số ca nặng cũng tăng hơn so với cùng ký các năm trước. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Do đó Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn của bệnh viện thường nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng hoặc rất nặng. Nhiều trường hợp cần phải can thiệp hỗ trợ thở máy xâm lấn, lọc máu, thay huyết tương.
Theo bác sỹ Hà Thị Hải Đường, đặc điểm của bệnh nhân sốt xuất huyết năm nay là bệnh nhân vào sốc sớm hơn, tái sốc nhiều, tổn thương tạng nặng và số lượng ca bệnh nặng cũng nhiều hơn so với các năm trước. Do đó người dân luôn phải chú ý đến sức khoẻ bản thân, luôn cảnh giác, phát hiện những biểu hiện chuyển nặng, tránh tình trạng chủ quan không đến khám và không được đánh giá tình trạng bệnh kịp thời dẫn đến nhập viện trễ, diễn tiến nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Số liệu báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 37.950 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11.000 ca nhập viện (2.000 ca trẻ em, 9.000 ca người lớn). Trong 11.000 trường hợp phải nhập viện, có 1.756 ca nặng. Đến nay đã có 25 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại đây.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận trên 500 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong. Hiện Khoa Nhiễm của bệnh viện đang có 82 bệnh nhi sốt xuất huyết, trong đó có 25 em nặng, Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 8 ca, còn tại Khoa Cấp cứu có 6 ca.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các trường hợp bệnh nhi tử vong do nhập viện quá muộn và chuyển viện trong tình trạng rất nặng mà không có sự hội chẩn trước với tuyến trên.
Phân tầng để điều trị sốt xuất huyết hiệu quả hơn
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 64.461 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 1.423 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 2,2%, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 26 trường hợp, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2021. Khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến là bệnh nhân nhập viện trễ, không được can thiệp điều trị kịp thời.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đang cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đang tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần họp bàn đưa ra các giải pháp hạn chế tử vong do sốt xuất huyết nhưng con số tử vong vẫn tăng lên hàng tháng.
Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết.
Cụ thể, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành phân các bệnh nhân sốt xuất huyết thành 3 tầng để điều trị. Các phòng khám tư nhân, phòng khám của trung tâm y tế, trạm y tế được xếp vào tầng 1 – tầng thấp nhất trong điều trị sốt xuất huyết. Các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế thuộc tầng 1 được tập huấn hướng dẫn chuẩn đoán điều trị sốt xuất huyết để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ khi đến khám tại các phòng khám.
Ở tầng này tuyệt đối không được lạm dụng chỉ định truyền dịch, thay vào đó, khi người bệnh có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc không cải thiện cần chuyển người bệnh tới các bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 2 là các viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tuyến thành phố và các bệnh viện đa khoa tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm. Các bác sĩ, điều dưỡng tại tầng 2 chịu trách nhiệm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo đến khám hoặc được chuyển lên từ tầng 1, điều trị tích cực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sớm chuyển người bệnh đến bệnh viện thuộc tầng 3 khi người bệnh không đáp ứng điều trị.
Tầng 3 là các bệnh viện chuyên khoa nhiễm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) và các bệnh viện đa khoa được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết bao gồm Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện quân Y 175 (đối với người lớn); Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố (đối với trẻ em). Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thuộc tầng 3 cần phải thành lập các đơn vị, khoa hồi sức sốt xuất huyết. Chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị ca nặng do các cơ sở y tế thuộc tầng 1 và tầng 2 chuyển đến.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc phân tầng điều trị sốt xuất huyết sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, trong khi đó ở tuyến cơ sở cũng sẽ thực hiện tốt việc thu dung điều trị các ca bệnh nhẹ, tránh dồn tất cả bệnh nhân lên tuyến trên. Cùng với đó, hệ thống hội chẩn trực tuyến giữa các tuyến cũng được thiết lập giúp giải quyết tốt các trường hợp chuyển nặng đột ngột cũng như có sự hướng dẫn chuyển viện an toàn nếu cần thiết.
Với tình hình diễn biến thực tế, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong dự đoán, sẽ có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng trong thời gian tới. Những người có cơ địa béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc các bệnh lý về gan, thận có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc sốt xuất huyết.
Do đó những người có cơ thể đặc biệt nên đi khám sớm khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết để được bác sỹ chẩn đoán và hướng dẫn một cách điều trị cho phù hợp tại một tuyến phù hợp theo sự phân công của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh./.
Ý kiến ()