Bền vững một dự án xóa nghèo
Từ nguồn hỗ trợ bò sinh sản của Hội hữu nghị Việt- Pháp năm 2006, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) tỉnh Nghệ An triển khai hỗ trợ bò giống cho 87 nữ thanh niên xung phong đơn thân thời chống Mỹ, cứu nước, tại ba xã Mỹ Thành, Sơn Thành và Viên Thành (huyện Yên Thành).
Từ nguồn hỗ trợ bò sinh sản của Hội hữu nghị Việt- Pháp năm 2006, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) tỉnh Nghệ An triển khai hỗ trợ bò giống cho 87 nữ thanh niên xung phong đơn thân thời chống Mỹ, cứu nước, tại ba xã Mỹ Thành, Sơn Thành và Viên Thành (huyện Yên Thành).
Ðến nay, đàn bò đã phát triển thêm 306 con bê và chuyển nhượng 145 con sang cho các hộ nghèo khác.
Sau sáu năm thực hiện, tổng số đàn bò tại Hội CTÐ huyện Yên Thành quản lý đã lên tới 393 con, trị giá gần bốn tỷ đồng. Cùng đó, dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội CTÐ Việt Nam triển khai từ năm 2010, hiện các cấp Hội CTÐ tỉnh Nghệ An quản lý 1.010 con, trị giá hơn mười tỷ đồng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như các tỉnh, thành phố của cả nước, hàng nghìn thanh niên Nghệ An xung phong lên đường làm nghĩa vụ. Nhiều cô gái bỏ lại tuổi xuân để tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Ðể giúp các chị phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, năm 2005 Hội CTÐ tỉnh Nghệ An đã lập đề án xin hỗ trợ từ chương trình phát triển kinh tế của Hội Hữu nghị Việt – Pháp. Năm 2006, 87 con bò sinh sản do Hội Hữu nghị Việt – Pháp tài trợ đã được trao cho 87 chị ở ba xã Mỹ Thành, Sơn Thành và Viên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chăm sóc và hiện nay đàn bò phát triển tốt, nhiều chị đã từng bước lo toan được cho cuộc sống của mình.
Nhập ngũ năm 1975, chị Bùi Thị Lương, ở xóm 4, xã Viên Thành, huyện Yên Thành cùng đồng đội tham gia mở đường tại chiến dịch Nam Lào. Năm 1978, xuất ngũ trở về địa phương, chị xây dựng gia đình và sinh được hai người con. Chồng chị sức khỏe không ổn định, thường xuyên bị lên cơn động kinh, mỗi lần như vậy, anh đập phá nhà cửa, đồ đạc. Cô con gái của chị lấy chồng xa, con trai từng hai lần kết hôn, có bốn người con, nhưng do sức khỏe yếu, nên hai cô con dâu cũng bỏ nhà ra đi, để lại cho chị bốn đứa cháu, trong đó có ba cháu bị các bệnh nặng. Năm 2006, chị được nhận nuôi một con bò sinh sản từ dự án, chỉ trong vài năm, bò mẹ đã sinh bốn con bê con, chị chuyển giao một con cho một hộ nghèo khác trong xóm. Thấy nuôi trâu năng suất, hiệu quả hơn và lãi hơn, chị đã bán bò mẹ và ba con bê con để mua một con trâu. Số tiền còn lại cùng tiền vay từ quỹ hỗ trợ người nghèo của xóm, chị mua thêm năm con lợn. Chị Lương bộc bạch: “Cách đây ba tháng, một cháu của tôi bị suy tim phải đưa ra Bệnh viện Bạch Mai để điều trị, nếu không có khoản tiền sinh lời từ những con nghé, vay mượn bà con thì tôi không biết xoay xở ra sao. Còn ngôi nhà này, cũng là nhờ bà con, chính quyền trong xóm”. Chị Lương hy vọng, với dự án “Ngân hàng bò”, bà cháu chị sẽ dần thoát nghèo.
Là dân công hỏa tuyến, trở về địa phương, chị Nguyễn Thị Ða không may mắn có hạnh phúc gia đình. Những ngày đầu, chị Ða rất vất vả. Một mình nuôi ba con ăn học, chị không quản ngại bất cứ việc gì, ai thuê làm gì chị cũng nhận, kể cả việc gò thùng tôn cỡ lớn vốn chỉ dành cho đàn ông. Năm 2006, chị được nhận một con bò cái về nuôi, chăm chỉ làm ăn, con bò cái đã sinh cho chị sáu lứa bê con. Lứa đầu, chị chuyển tặng hộ gia đình chị Ðặng Thị Tâm, cũng là một hộ phụ nữ nghèo trong xóm. Những lứa sau, chị bán đi lấy tiền nuôi con. Thương mẹ vất vả, cô con gái lớn đành gác lại việc học hành để vào nam kiếm việc làm, phụ giúp mẹ nuôi em và lập gia đình tại Bình Ðịnh. Còn hai người em một đang theo học tại đại học mở ở Sài Gòn và một tại Hà Nội. Chị Ða tâm sự: “Nếu không có dự án bò do Hội CTÐ tỉnh hỗ trợ, không biết đời sống mẹ con chúng tôi ra sao. Ngôi nhà này, lúa gạo này đều là tình làng, nghĩa xóm. Tôi hy vọng, dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội CTÐ triển khai phát triển bền vững, để những người nghèo, nhất là phụ nữ nghèo như chúng tôi có điều kiện thụ hưởng”.
Ðối với một tỉnh có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có bão, lũ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Ðầu năm 2010, T.Ư Hội CTÐ Việt Nam triển khai dự án “Ngân hàng bò” tại các xã Hữu Lập và Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn; Quang Phong và Trì Lễ, huyện Quế Phong; Nam Thanh, Nam Thương, Nam Lộc, huyện Nam Ðàn; Hưng Lam, Hưng Linh, huyện Hưng Nguyên; Lăng Thanh, Bảo Thành, huyện Yên Thành; Nghi Hợp, Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), với tổng số đàn bò sinh sản là 450 con. Sau ba năm đàn bò đã phát triển 617 con, trị giá hơn sáu tỷ đồng và đã chuyển nhượng 106 con cho các hộ gia đình nghèo khác.
Chủ tịch Hội CTÐ tỉnh Nghệ An Bùi Thị Mai cho biết: “Ðây là một mô hình đặc thù, không chỉ ở hiệu quả mà còn ở cách thức duy trì và phát triển, bởi dự án ưu tiên những hộ khó khăn và những hoàn cảnh đặc biệt như phụ nữ là chủ hộ; hộ có người tàn tật có nạn nhân chất độc da cam; hộ chính sách…”. Bò giống sau khi nuôi, đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm sáu tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi. Như vậy, số lượng bò giống của “Ngân hàng bò” sẽ ngày một gia tăng và ngày càng có nhiều hộ nghèo khác được trợ giúp.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()