LSO-Người trong làng cũng chẳng ai nhớ rõ Bến Cốn có từ bao giờ, nhưng họ biết, đây là làng cổ nhất của xã Minh Tiến (Hữu Lũng). Vài chục nóc nhà trong thôn nằm nép mình, dựa lưng vào núi và quay mặt về phía con suối Vân Nham.Với địa hình như vậy, con đường độc đạo từ làng ra xã và các địa phương lân cận bắt buộc phải qua con suối Vân Nham. Từ nhiều năm nay, sợi dây duy nhất nối liền con đường huyết mạch này là một chiếc cầu “khỉ”. Suối Vân Nham hiếm khi hiền hoà, mùa nước lên, nó chứng tỏ mình là dòng cuồng lưu bằng cách cuốn phăng mọi thứ, kể cả cây cầu tạm, biến Bến Cốn thành ốc đảo giữa đất liền. Chính bởi vậy, trong những năm qua công việc sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế ở Bến Cốn gặp rất nhiều khó khăn. Trong làng may ra chỉ có thanh niên dám vượt suối để đến trung tâm, còn người già, và trẻ nhỏ thì suốt ngày quanh quẩn ở chân núi, cách trung tâm xã chưa đầy 2km mà có cảm giác Bến...
LSO-Người trong làng cũng chẳng ai nhớ rõ Bến Cốn có từ bao giờ, nhưng họ biết, đây là làng cổ nhất của xã Minh Tiến (Hữu Lũng). Vài chục nóc nhà trong thôn nằm nép mình, dựa lưng vào núi và quay mặt về phía con suối Vân Nham.
Với địa hình như vậy, con đường độc đạo từ làng ra xã và các địa phương lân cận bắt buộc phải qua con suối Vân Nham. Từ nhiều năm nay, sợi dây duy nhất nối liền con đường huyết mạch này là một chiếc cầu “khỉ”. Suối Vân Nham hiếm khi hiền hoà, mùa nước lên, nó chứng tỏ mình là dòng cuồng lưu bằng cách cuốn phăng mọi thứ, kể cả cây cầu tạm, biến Bến Cốn thành ốc đảo giữa đất liền. Chính bởi vậy, trong những năm qua công việc sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế ở Bến Cốn gặp rất nhiều khó khăn. Trong làng may ra chỉ có thanh niên dám vượt suối để đến trung tâm, còn người già, và trẻ nhỏ thì suốt ngày quanh quẩn ở chân núi, cách trung tâm xã chưa đầy 2km mà có cảm giác Bến Cốn thật xa xôi, diệu vợi.
Bến Cốn đã từng có cầu, mà còn là cầu kiên cố bằng gỗ lim hẳn hoi, nhưng chuyện đó xưa lắm rồi. Cụ Nguyễn Văn Trình, nay đã bước qua tuổi 80 mà hãy còn minh mẫn lắm, cụ nhớ rõ, năm 1946, giặc Pháp xâm lược, nạn cướp bóc hoành hành, cướp cả vào trong Bến Cốn, vậy là chính tay cụ và một số thanh niên trai tráng trong làng phải tự tay phá hủy cây cầu gỗ lim quý giá đó để ngăn giặc, phỉ. Và cũng từ đó trở đi Bến Cốn buộc phải quen với việc hàng ngày vượt dòng cuồng lưu bằng cây tre bắc ngang qua suối. Hệt như…làm xiếc, đánh đu, nhiều người ví von như vậy.
|
Nhân dân thôn Bến Cốn thi công làm cầu qua suối Vân Nham |
Thế rồi mọi chuyện đến với người Bến Cốn như chuyện trong mơ. Số là trong khi nâng cấp, mở mới tuyến đường 244, cây cầu cũ bắc qua suối ở thôn Đồng Hoan, xã Minh Tiến được tháo dỡ để xây mới. Ông Trần Đĩnh, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: Huyện Hữu Lũng đã có một chủ trương rất linh động là chuyển toàn bộ số sắt thép từ chiếc cầu cũ sang cho Bến Cốn, đồng thời hỗ trợ xi măng và thiết kế để nhân dân Bến Cốn xây cầu. Những cuộc họp thôn nhanh chóng được thông qua với sự đồng thuận cao từ nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng 42 hộ dân thôn Bến Cốn đã nhất trí cao với phương án mỗi hộ đóng góp 1,5 triệu đồng và ngày công lao động để cùng xây dựng cây cầu huyết mạch này.
Ý Đảng và lòng dân đã hợp, sự đoàn kết, thống nhất ấy tạo nên một sức mạnh kỳ diệu. Cả thôn hăng say trong khí thế lao động xã hội chủ nghĩa và chẳng mấy chốc cây cầu của ý Đảng lòng dân đã thành hình. Các nhà xây dựng nhận xét, nếu không có sức dân, không có sự linh hoạt của huyện, thì tổng trị giá cây cầu này cầm chắc phải trên 600 triệu đồng mới xong, nhưng với sự đồng lòng ấy, giá thành của nó đã hạ xuống chỉ còn già nửa. Hơn 80 tuổi, nhưng ngày nào cụ Trình cũng phải đến tận bờ suối để thăm cầu, mặc dù nó vẫn chưa hoàn thiện, cụ bảo: Hơn 64 năm qua, tôi đã chứng kiến bà con trong làng lao động vất vả, cực nhọc mà cũng chỉ đủ ăn, mãi không khá lên được; các cháu nhỏ muốn đến trường cũng gian nan không kém, tất cả chỉ tại không có cầu, nay cầu kiên cố đã xây, tôi ngày nào cũng phải ra đây ngắm.
Cụ chỉ nói thế, rồi lặng lẽ đứng trông về phía bên kia, nơi ấy là trung tâm, nay huyết mạch đã liền, người Bến Cốn chẳng còn phải sợ con suối Vân Nham, và lẽ đương nhiên chẳng còn trở ngại nào để nơi đây phát triển. Xe chầm chậm đi trên cây cầu kiên cố, với lời hẹn khánh thành cầu nhất định nhà báo sẽ lại đến thăm bà con, tôi rời Bến Cốn trong buổi chiều nắng đẹp.
Lê Minh
Ý kiến ()