Bê tông hóa giao thông nông thôn: Kỳ tích ở Bình Lâm
LSO-Ở vùng I, vùng II, việc bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm cũng không phải chuyện đơn giản. Thế mà thôn Bình Lâm trên địa bàn xã Lâm Ca, một trong những địa phương khó khăn vào bậc nhất của huyện nghèo Đình Lập đã làm được việc này.
LSO-Ở vùng I, vùng II, việc bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm cũng không phải chuyện đơn giản. Thế mà thôn Bình Lâm trên địa bàn xã Lâm Ca, một trong những địa phương khó khăn vào bậc nhất của huyện nghèo Đình Lập đã làm được việc này.
Đường giao thông ở Bình Lâm được bê tông hóa từ trục chính đến từng gia đình |
Mới cách đây có dăm hôm, toàn thôn Bình Lâm mổ lợn khao làng mừng sự kiện bê tông hóa hoàn toàn tuyến đường trục chính của thôn. Có cả cắt băng khánh thành, mời lãnh đạo xã chứng kiến hẳn hoi. Thế cũng phải, sau nhiều năm ròng rã cả thôn chung sức, tuyến đường bê tông Bình Lâm – Bình Ca, vượt suối qua đèo, dài hơn 2km, rộng tới hơn 3m mới hoàn thành, ai chẳng mừng! Khi hạch toán cụ thể, nào là xi măng hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp hơn 300 tấn; số ngày công dân đóng góp 4.500 công; vật liệu đối ứng của dân hơn 1.000m3 cát, sỏi…tính ra tiền đến 1,1 tỷ đồng. Cả thôn có vỏn vẹn 47 hộ dân, khi hạch toán ra cụ thể bằng tiền, ai cũng ngỡ ngàng. Nỗ lực trong nhiều năm, họ đã làm nên kỳ tích. Những mét đường trục chính cuối cùng hoàn thành cũng đánh dấu việc Bình Lâm trở thành thôn có đường làng ngõ xóm được bê tông hóa 100% ở Lâm Ca.
Thăm Bình Lâm, tôi không khỏi ngỡ ngàng, tiếng là vùng đặc biệt khó khăn, nhưng không chỉ đường trục chính mà từng đường nhánh, từng tuyến đường liên gia ở nơi đây đã được bê tông hóa tới tận cửa từng nhà, điều mà nhiều thôn ở ngay trên địa bàn thành phố cũng chưa thể làm được. Trưởng thôn Bình Lâm Nguyễn Thành Dinh chia sẻ: nhớ lại cách đây chục năm trước, đường từ trung tâm thôn ra xã toàn sống trâu, sống bò dựng đứng, trơn tuột, dân thôn tôi vất vả lắm. Ngày ấy, cô con gái cả của ông sốt cao đến co giật, nhà có xe máy nhưng không thể đi được vì trời mưa, đường trơn, 2 vợ chồng thay nhau cõng con đến trạm xá. Ông Trưởng thôn bần thần: may mà trời còn thương, mà ngày ấy ai cũng thế, mưa gió một chút là cả thôn bị cô lập.
Thế rồi năm 2005, tiếp cận với chương trình hỗ trợ bê tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh, người Bình Lâm quyết tâm cải tạo đường sá. Trước tiên là ban lãnh đạo thôn họp bàn rồi tuyên truyền, vận động. Cả thôn có chia thành 3 xóm nhỏ, Bình Lâm chọn ngay xóm Giữa, trung tâm nhất làm điểm. Một nhóm phụ trách xây dựng kế hoạch rồi đề xuất lên xã đăng ký xi măng; nhóm khác đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật làm đường bê tông… Mọi việc đều được phổ biến, bàn bạc công khai đến từng người dân.
Rồi, những mét đường bê tông liên gia đầu tiên ở Bình Lâm đã xuất hiện, xi măng giao bao nhiêu hết bằng đấy, thậm chí thôn khác dùng không hết, Bình Lâm cũng xin luôn. Trong vòng 2 năm toàn xóm Giữa, bê tông đã phủ kín các tuyến đường. Từ xóm điểm, phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn lan rộng trong toàn thôn. Cát sỏi ở xa, cước vận chuyển vào vùng 3 cao ngất ngưởng, nhưng người dân chẳng nề hà. Tiền đóng góp được đến đâu, thuê xe chở đến đấy, lúc thiếu kinh phí, phân công từng tổ cõng vật liệu về thôn. Lượng xi măng nhà nước hỗ trợ chưa kịp, trưởng thôn mạnh dạn kiến nghị với nhà máy chế biến chè trên địa bàn hỗ trợ. Đến năm 2008, toàn bộ tuyến giao thông nội thôn đã bê tông hóa hoàn toàn.
Trưởng thôn Nguyễn Thành Dinh cười tươi rói: “được đà” toàn thôn tôi tính luôn đường trục chính. Đường này khó hơn bởi dốc cao, suối sâu, lại phải đảm bảo độ rộng trên 3m. Với lòng quyết tâm của toàn dân, vận động thêm cả người dân thôn khác được hưởng lợi từ con đường cùng chung sức, sau gần 5 năm ròng rã cuối cùng tuyến Bình Lâm – Bình Ca cũng hoàn thành. Từng xóm trong thôn bắt đầu phân công, chia tổ tự quản. Thôn xây dựng hương ước bảo vệ, duy tu đường. Nhất định xe nào chở trên 15 tấn qua thôn buộc phải hạ tải, từ 10-15 tấn thôn vận động đóng tiền duy tu. Có đường phẳng lỳ, vận tải dễ dàng, cánh tài xế chẳng những tự nguyện góp tiền cho Bình Lâm duy tu đường mà thi thoảng chẳng chở gì họ cũng tự đóng thêm. Vì thế mà đoạn làm trước, làm sau, nhưng toàn bộ đường bê tông trong thôn đến giờ vẫn như mới.
Ông Lương Trọng Nhất, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lâm Ca khẳng định: từ Bình Lâm, phong trào toàn dân huy động nội lực củng cố cơ sở hạ tầng đã lan rộng trong toàn xã, nhiều thôn như Bình Nam, Khe Dăm…cũng đã bê tông hóa được 90% đường nội thôn; hệ thống kênh mương thủy lợi cũng đã cơ bản được kiên cố đáp ứng nhu cầu sản xuất. Kể từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì các phong trào này càng trở nên sôi nổi. Chỉ tính riêng làm đường, năm nào Lâm Ca cũng nhanh chóng “tiêu” hết veo kế hoạch hơn 200 tấn xi măng. Vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Đình Lập, nhưng Lâm Ca đã và đang phát huy được nguồn lực nội sinh từ lòng quyết tâm, khối đại đoàn kết toàn dân. Đây cũng chính là động lực quan trọng nhất để vùng khó tiếp tục vững bước trên tiến trình xây dựng nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()