LSO-Đến thời điểm này huyện Chi Lăng có 17/21 xã, thị trấn đã có đường ô tô đi lại được 4 mùa, chiếm 81%; 201/212 thôn, bản có đường ô tô đến được trung tâm, chiếm 98%. Đặc biệt trên toàn huyện đã bê tông hoá được 114,6km đường giao thông liên thôn, liên xã; kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội.Bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con nhân dân mà còn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, ở Chi Lăng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện cho đến xã, thôn đã chỉ đạo sát sao việc triển khai làm đường bê tông liên thôn, liên xã; tuyên truyền, huy động sự tham gia của nhân dân bằng việc đóng góp sức người (ngày công lao động) và sức của (khai thác...
LSO-Đến thời điểm này huyện Chi Lăng có 17/21 xã, thị trấn đã có đường ô tô đi lại được 4 mùa, chiếm 81%; 201/212 thôn, bản có đường ô tô đến được trung tâm, chiếm 98%. Đặc biệt trên toàn huyện đã bê tông hoá được 114,6km đường giao thông liên thôn, liên xã; kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con nhân dân mà còn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, ở Chi Lăng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện cho đến xã, thôn đã chỉ đạo sát sao việc triển khai làm đường bê tông liên thôn, liên xã; tuyên truyền, huy động sự tham gia của nhân dân bằng việc đóng góp sức người (ngày công lao động) và sức của (khai thác vật liệu cát, sỏi), tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng đường giao thông. Anh Vi Văn Dung, Trưởng Phòng Công thương huyện Chi Lăng cho biết: Liên tiếp từ năm 2005 đến nay, năm nào Chi Lăng cũng sử dụng hết nguồn xi măng được Nhà nước hỗ trợ để làm đường giao thông. Năm 2009 toàn huyện được hỗ trợ 1.500 tấn, năm 2010 được hỗ trợ 1.300 tấn xi măng và đến thời điểm này, toàn bộ số xi măng đã được đưa về các xã, thị trấn để triển khai làm đường. Hiện chúng tôi đang lập kế hoạch xin bổ sung thêm gần 2.000 tấn nữa để đáp ứng nhu cầu làm đường giao thông của nhân dân trong năm.
|
Nhân dân xã Chi Lăng huyện Chi Lăng làm cầu qua sông |
Một trong những kinh nghiệm của Chi Lăng trong triển khai làm đường bê tông nông thôn là thực hiện theo quy trình chặt chẽ ngay từ khâu lập kế hoạch cho đến việc phân bổ xi măng và triển khai xây dựng. Theo đó, lượng xi măng mà Nhà nước hỗ trợ được căn cứ trên nhu cầu thực tế của từng xã, thôn và với những xã nằm trong kế hoạch thì phải đảm bảo chuẩn bị được 70% vật liệu huyện mới tiến hành cấp xi măng, thông thường vào cuối tháng 10 hàng năm, nếu xã nào không có khả năng thực hiện được thì số xi măng được phân bổ sẽ chuyển cho xã khác. Nhờ vậy, nguồn hỗ trợ của Nhà nước được “đặt” đúng chỗ, đúng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng lãng phí. Trong quá trình thực hiện làm đường bê tông ở các xã, thị trấn, Phòng Công thương huyện đều cử cán bộ xuống hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật cho cơ sở.
Công tác tuyên truyền, huy động sức dân cũng là một yếu tố quan trọng để đem lại kết quả tích cực trong thực hiện làm đường giao thông nông thôn. Trước đây, khi mới triển khai, không ít xã còn dè dặt, lúng túng bởi không biết phải làm thế nào huy động được sức dân. Qua thời gian, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, việc phát triển giao thông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trên địa bàn. Do đó, nguồn xi măng phân bổ tới đâu được sử dụng hết tới đó, nhiều thôn, xã còn đề nghị được bổ sung, hỗ trợ thêm để tiếp tục làm đường. Ở Chi Lăng, những năm gần đây, một số nơi như xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ đã huy động được nguồn lực lớn trong dân để phát triển giao thông nông thôn. Bên cạnh làm đường, có nơi như xã Chi Lăng còn vận động được nhân dân đóng góp sức người, sức của xây cầu qua sông để đi lại thuận tiện và phục vụ cho việc vận chuyển hàng hoá, nông sản…
Kết quả bê tông hoá giao thông nông thôn đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Thời gian tới, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nuớc và huy động nguồn lực trong nhân dân để phát triển giao thông nông thôn, Chi Lăng sẽ chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chính quyền, nhân dân cơ sở quản lý, sử dụng tốt các công trình đường giao thông đã được đầu tư xây dựng để các công trình này phát huy hiệu quả lâu dài, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bảo Vy
Ý kiến ()