Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở Văn Quan: Khó nguồn vật liệu đối ứng
LSO-Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong những năm qua, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) ở các địa phương trong tỉnh diễn ra khá rầm rộ.
LSO-Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong những năm qua, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) ở các địa phương trong tỉnh diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên, một số xã ở huyện Văn Quan đang gặp khó trong phong trào này, mà nguyên nhân chính là không có nguồn vật liệu đối ứng (VLĐƯ) để làm đường bê tông.
Cầu bê tông ở xã Đại An |
Nhà nước hỗ trợ xi măng và để có thể làm được đường, người dân cần phải có nguồn VLĐƯ như cát, sỏi hoặc đá và bỏ ngày công lao động. Công lao động thì sẵn có nên không khó để huy động, tuy nhiên cái khó là ở một số nơi trên địa bàn huyện Văn Quan không đáp ứng được nguồn vật liệu để làm đường. Nhất là những xã nằm trong diện khó khăn, lại không có nguồn vật liệu tại chỗ, mà đã khó rồi thì lấy đâu ra tiền để mua vật liệu, vậy là cả chính quyền và người dân cũng chỉ biết nhìn số lượng xi măng được phân bổ theo chỉ tiêu phải chuyển sang xã khác làm tốt hơn. Câu chuyện ở xã Phú Mỹ là một ví dụ. Phú Mỹ là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Quan với tỉ lệ hộ nghèo hơn 70%. Ông Nông Văn Viên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: đón nhận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền và người dân trong xã mừng lắm. Mừng là nếu bê tông hóa được đường, bà con trong xã sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong sinh hoạt cũng như lao động sản xuất, từ đó từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng khi động đến nguồn VLĐƯ, cả xã lại “toát mồ hôi” vì không có vật liệu tại chỗ do trên địa bàn xã chỉ có một vài khe dọc hay suối nhỏ có ít nước vào mùa mưa không tìm đâu ra vật liệu. Không có vật liệu tại chỗ, xã phải đi hỏi mua, nhưng khi nói đến chuyện đóng góp thì bà con nhân dân chỉ biết lắc đầu bởi để bê tông được những con đường trục chính trong thôn, mỗi hộ cũng phải đóng ít nhất từ 2-3 triệu đồng. Kết thúc câu chuyện ở Phú Mỹ đó là, sau bao nhiêu năm có chỉ tiêu phân bổ xi măng, đến nay toàn xã mới làm được chưa đầy 50m đường bê tông xi măng, còn lại hàng chục km đường liên thôn vẫn là đường đất.
Không riêng gì Phú Mỹ mà một số xã khác ở Văn Quan cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nguồn VLĐƯ như Hòa Bình, Việt Yên, Đại An, Đồng Giáp… Ở những xã này, số lượng đường bê tông làm được ít, có xã được vài trăm mét, xã nhiều thì được hơn 1km, trong khi đó các tiêu chí về chất lượng cũng không được đảm bảo. Bà Hứa Phong Lan, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cho biết: từ đầu năm đến nay, huyện đã cung ứng được trên 1.500 tấn xi măng xuống các xã và đã có trên 12km đường bê tông xi măng rộng từ 1,5-2m được hoàn thành. Toàn huyện có khoảng 6-7 xã gặp khó trong làm đường GTNT, trong đó phần lớn là những xã nghèo. Số xã làm chậm, làm được rất ít đường bê tông, nguyên nhân chủ yếu là nguồn VLĐƯ không có. Hàng năm đều có chỉ tiêu phân bổ xi măng cho các xã, tuy nhiên những xã nào không làm được lại điều chuyển xi măng cho những xã làm tốt hơn. Nguyên nhân chính là do các xã không có nguồn vật liệu tại chỗ, nếu có sẵn vật liệu, người dân chỉ phải bỏ công khai thác và vận chuyển về làm là xong. Thế nhưng ở một số xã kể trên, do không có sông suối nên cát, sỏi cũng chẳng có, một số xã có núi đá nhưng việc khai thác cũng không hề dễ dàng bởi nếu khai thác thủ công thì số lượng rất ít, còn nếu đầu tư dây chuyền máy móc thì dân nghèo không biết lấy ở đâu ra. Vậy nên những xã nghèo lại không có nguồn vật liệu tại chỗ đành chịu.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()