Ngày 19-5, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có bài phát biểu về chính sách của Oa-sinh-tơn đối với khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nhiều nhà phân tích coi đây là một chiến lược mới của Mỹ nhằm giải quyết các bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.Bởi, nó được đưa ra sau hơn sáu tháng diễn ra những biến cố chính trị đang làm chao đảo tình hình chính trị nhiều nước ở khu vực này. Tuy nhiên, những nội dung trong bài phát biểu này không có gì mới, thậm chí chỉ như một sự 'thanh minh' trước những chỉ trích về thất bại của Mỹ trong thời gian qua ở Trung Đông.Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ bắt đầu quan tâm đặc biệt tới Trung Đông, khu vực giàu dầu mỏ và có vị trí địa - chính trị quan trọng. Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông cũng như những mối đe dọa khủng bố từ khu vực này luôn làm Oa-sinh-tơn đau đầu. Ngay từ khi bước chân vào Nhà trắng (tháng 1-2009), Tổng thống Ô-ba-ma muốn tạo những bước đột phá...
Ngày 19-5, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có bài phát biểu về chính sách của Oa-sinh-tơn đối với khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nhiều nhà phân tích coi đây là một chiến lược mới của Mỹ nhằm giải quyết các bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.
Bởi, nó được đưa ra sau hơn sáu tháng diễn ra những biến cố chính trị đang làm chao đảo tình hình chính trị nhiều nước ở khu vực này. Tuy nhiên, những nội dung trong bài phát biểu này không có gì mới, thậm chí chỉ như một sự 'thanh minh' trước những chỉ trích về thất bại của Mỹ trong thời gian qua ở Trung Đông.
Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ bắt đầu quan tâm đặc biệt tới Trung Đông, khu vực giàu dầu mỏ và có vị trí địa – chính trị quan trọng. Lợi ích của Mỹ ở Trung Đông cũng như những mối đe dọa khủng bố từ khu vực này luôn làm Oa-sinh-tơn đau đầu. Ngay từ khi bước chân vào Nhà trắng (tháng 1-2009), Tổng thống Ô-ba-ma muốn tạo những bước đột phá so với những người tiền nhiệm trong vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Ở thời điểm đó, ông đã đưa ra một loạt giải pháp cho các vấn đề vốn được coi là gai góc. Ông chủ trương kết thúc cuộc chiến tranh I-rắc, nhưng đã sa lầy tại đây và cuộc chiến này không thể kết thúc như Oa-sinh-tơn mong muốn. Ông Ô-ba-ma cũng muốn chứng tỏ khả năng trong việc thúc đẩy tái khởi động đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en, song các cuộc đàm phán này đã đổ vỡ. Việc Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông G.Mít-sen từ chức giữa tháng 5 này cho thấy sự bế tắc của Mỹ trong kiến tạo hòa bình ở khu vực này. Đối với I-ran, mặc dù sử dụng cả 'cây gậy và củ cà-rốt', Oa-sinh-tơn vẫn không thể giải quyết được chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran theo ý muốn của mình.
Trong bài phát biểu này, người đứng đầu Nhà trắng đã công khai thừa nhận, tương lai của Mỹ phụ thuộc khu vực Trung Đông. Ông Ô-ba-ma cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ đã theo đuổi một loạt lợi ích cốt lõi tại khu vực này, song cũng không thể không thừa nhận đó là một chiến lược 'chỉ dựa trên những theo đuổi lợi ích hạn hẹp'. Bài phát biểu đề cập nhiều vấn đề tại các nước như Li-bi, Tuy-ni-di, Xy-ri, Y-ê-men, Ba-ren, Ai Cập, những nước đang phải đối mặt khủng hoảng chính trị. Một lần nữa, Tổng thống Ô-ba-ma nói rằng, Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực và trấn áp những người biểu tình. Ông ủng hộ các cuộc cải cách kinh tế và chính trị ở các nước khu vực Trung Đông. Nhưng, Tổng thống Mỹ lại 'phớt lờ' các cuộc không kích của NATO đã và đang tàn phá đất nước và giết hại dân thường ở Li-bi. Đáng chú ý, đây là lần đầu một Tổng thống Mỹ công khai kêu gọi giải quyết cuộc xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967. Tuy nhiên, ông không quên khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho I-xra-en. Phong trào Hồi giáo Ha-mát kêu gọi Tổng thống Mỹ phải có những hành động cụ thể chứ không phải chỉ hô hào suông.
Nhiều nhà phân tích A-rập cho rằng, lời lẽ trong bài phát biểu của ông Ô-ba-ma 'ấn tượng', nhưng quá muộn và nó cho thấy Oa-sinh-tơn quan ngại hậu quả của những diễn biến ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi đối với những toan tính của Mỹ và phương Tây ở khu vực này. Theo họ, bài phát biểu này của ông Ô-ba-ma còn nhằm lấy điểm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Với việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen, cùng với vấn đề Trung Đông mà nhiều đời Tổng thống Mỹ theo đuổi, ông Ô-ba-ma muốn tận dụng mọi cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tới.
Cách đây hai năm, Tổng thống Ô-ba-ma đã có bài phát biểu tại Trường đại học Cai-rô (Ai Cập). Trong bài phát biểu này, ông nói về 'một sự khởi đầu mới' giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo. Nhưng từ đó đến nay, những gì diễn ra ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho thấy, Mỹ đã không thực hiện được những toan tính của mình. Ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn tại khu vực này đang giảm sút. Có thể nói, Mỹ đang bế tắc trong việc hoạch định chính sách ở Trung Đông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()