Bế mạc Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
* Thảo luận ba dự án luật: Khiếu nại; Tố cáo; Đo lườngSáng 23-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại. Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; khiếu nại đông người; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; tổ chức tiếp công dân; khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Nhìn chung, các ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại là một thực tế, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Một nội dung được nhiều đại biểu đề cập là khiếu nại đông người. Mặc dù nhiều ý kiến thống nhất việc đưa ra quy định pháp luật về vấn đề này, song nhiều đại biểu băn khoăn về tính thực tế khi áp dụng khái niệm này vào cuộc sống do còn thiếu những quy định cụ thể, rõ ràng....
Sáng 23-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khiếu nại. Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; khiếu nại đông người; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; tổ chức tiếp công dân; khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Nhìn chung, các ý kiến cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại là một thực tế, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Một nội dung được nhiều đại biểu đề cập là khiếu nại đông người. Mặc dù nhiều ý kiến thống nhất việc đưa ra quy định pháp luật về vấn đề này, song nhiều đại biểu băn khoăn về tính thực tế khi áp dụng khái niệm này vào cuộc sống do còn thiếu những quy định cụ thể, rõ ràng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH KSor Phước cùng đề nghị, cần dành hẳn một chương trong luật để quy định cụ thể về khiếu nại đông người và đưa ra nguyên tắc giải quyết khiếu nại đông người để bảo đảm lợi ích công dân và tránh trường hợp làm mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc khi đưa khái niệm “khiếu nại đông người” vào phạm vi điều chỉnh của luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng, không nên quy định vấn đề khiếu nại đông người trong luật. Vì việc quy định một trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đông người bên cạnh trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong một luật là bất hợp lý. Phải có một khái niệm chung về khiếu nại, có trình tự, thủ tục giải quyết như nhau và không thể ban hành luật để giải quyết cho từng trường hợp. Về nội dung tiếp công dân, các ý kiến phát biểu nêu rõ, mọi quy định phải hướng đến tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ QH nghe và góp ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Tố cáo đã mở rộng đối tượng có quyền tố cáo. Ngoài công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, dự kiến, tới đây các cơ quan, tổ chức cũng là các chủ thể có quyền tố cáo. Dự thảo đã bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phát biểu còn băn khoăn với các hình thức tố cáo này vì trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cơ chế, nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để quản lý, kiểm tra, xác minh các thông tin tiếp nhận bằng các hình thức trên còn nhiều hạn chế. Do đó, đề nghị chưa nên quy định tố cáo bằng các hình thức này trong luật. Theo Ủy ban Pháp luật của QH, vấn đề quan trọng không phải tố cáo theo hình thức nào, mà là nội dung thông tin tố cáo có đầy đủ, chính xác hay không, tố cáo phải có đủ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo trung thực, rõ ràng. Khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo, nếu chính xác và có căn cứ để kiểm tra, xác minh mới tiến hành thụ lý để giải quyết. Về khái niệm tố cáo nặc danh, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến đề nghị không đưa hình thức tố cáo này vào luật, nhằm tránh tình trạng lợi dụng tố cáo sai sự thật, tràn lan, vô căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo lường và nghe Văn phòng QH báo cáo về việc bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần, thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động của QH và các đại biểu QH chuyên trách. Sau đó, Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Thường vụ QH đã bế mạc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()