Bế mạc phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII
Ngày 23-9, tại Hà Nội, sau gần hai tuần làm việc nghiêm túc, trên tinh thần trách nhiệm cao, phiên họp lần thứ 21, Ủy ban Thường vụ QH Khóa XIII đã bế mạc.
Ngày 23-9, tại Hà Nội, sau gần hai tuần làm việc nghiêm túc, trên tinh thần trách nhiệm cao, phiên họp lần thứ 21, Ủy ban Thường vụ QH Khóa XIII đã bế mạc.
Phát biểu ý kiến bế mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong thời gian làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung 14 dự án luật, hai báo cáo giám sát quan trọng và nhiều nội dung liên quan khác vàchương trình kỳ họp sắp tới. Thời gian tới, đề nghị Văn phòng QH và các cơ quan của QH tiếp tục hoàn chỉnh các nội dung báo cáo, tờ trình để trình ra QH tại kỳ họp lần thứ sáu sắp tới, bảo đảm sự kỹ lưỡng, đạt chất lượng cao. Chủ tịch QH lưu ý, chương trình xây dựng các luật tính đến nay tương đối rộng, việc bảo đảm chất lượng là rất cần thiết. Chương trình kỳ họp tới cần xem xét bố trí khoa học, rút ngắn thời gian mà vừa bảo đảm hiệu quả công việc, đúng nội dung chương trình đề ra. Lần này Ủy ban Thường vụ QH cũng đã thảo luận, nhất trí thông qua các nội dung về công tác chuẩn bị sự kiện tổ chức Ðại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tại Việt Nam vào năm 2015, là năm tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập Quốc hội (6-1-1946 – 6-1-2016) và các ngày lễ lớn của dân tộc.
Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ QH Khóa XIII thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Ðầu tư công. Trình bày báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Ðầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Nhiều nội dung trong dự án luật lần này đã bổ sung, làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhằm góp phần giảm bớt thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát lại nội dung, điều khoản trong dự án luật này để thống nhất với hệ thống luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Ðấu thầu…
Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và một số đại biểu cho rằng, do tính thống nhất của hệ thống luật, cần làm rõ luật này bãi bỏ những gì của các luật liên quan. Qua đó, cần điều chỉnh để mang tính thống nhất, liên quan những nội dung cụ thể về giá hợp đồng thầu, đấu thầu, vấn đề thanh toán giá, điều kiện hoạt động như thế nào để có môi trường thông thoáng, tạo điều kiện giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp… Theo ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, nên quy định giá trúng thầu và giá thanh toán phải là một giá, tránh tình trạng điều chỉnh giá nhiều lần, và nếu có, chỉ điều chỉnh giá thanh toán trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai. Về quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công (chương V), nhiều ý kiến đề nghị cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận lần đầu về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Thảo luận về sự thống nhất của dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) với hệ thống pháp luật và tính khả thi của luật, các đại biểu cơ bản nhất trí hồ sơ dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) của Chính phủ trình QH đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều ý kiến đề nghị: Ðể góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí đối với các dự án đầu tư xây dựng, cần có các phương thức quản lý khác nhau đối với các dự án có nguồn vốn khác nhau, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với công tác thẩm định, phê duyệt; tăng cường tính chuyên nghiệp và minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.
* Ngày 23-9, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ sáu.
Ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Việc làm; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; cho ý kiến về: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2013, dự toán ngân sách năm 2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; dự thảo Báo cáo hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội giữa hai kỳ họp Quốc hội và một số nội dung khác.
Thảo luận báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Việc làm, đa số ý kiến đồng ý với quan điểm, định hướng chính sách trong dự thảo Luật, gồm bảy chương, 63 điều, quy định những nội dung liên quan chính sách thị trường lao động chủ động và những quy định liên quan chính sách thị trường lao động thụ động (bảo hiểm thất nghiệp). Một số ý kiến nhấn mạnh, các nội dung về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; chính sách việc làm công đã được cụ thể hóa thành những nhóm chính sách chủ yếu và sửa đổi quy định về trung tâm dịch vụ việc làm để phù hợp quy định Bộ luật Lao động. Trong đó, có xem xét mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp phù hợp thực tiễn và quy định cụ thể về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn có những quy định chung chung, do đó, cần tiếp tục cụ thể hóa để nâng cao tính khả thi của các chính sách, nhất là các quy định về chính sách hỗ trợ, tạo việc làm (Chương II), tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm (Chương V), bảo hiểm thất nghiệp (Chương VI); nhằm tạo sự liên kết giữa các chính sách, khắc phục sự mất cân đối về bố cục giữa các chương và rà soát để các chính sách trong dự thảo Luật đồng bộ các luật liên quan.
Thảo luận báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật các vấn đề về: quy định cụ thể hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo, giảm hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
Tại phiên họp này, Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và thảo luận nhiều nội dung khác.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()